Phục hồi kinh tế: Cơ hội chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ 'chậm chân'

P.V 15:00 | 21/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng ở gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nhưng càng kỳ vọng hơn ở sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo động lực phục hồi mạnh mẽ hơn.

“Chúng tôi có nghe đến Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội trị giá 347 nghìn tỷ, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng khả năng tiếp cận tín dụng ra sao và doanh nghiệp du lịch như chúng tôi có được vay vốn dễ dàng hơn không thì chúng tôi chưa rõ”, đó là câu trả lời của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch Thủ đô kiêm Giám đốc AZA Travel với Doanh nhân Việt Nam về tình hình phục hồi doanh nghiệp cũng như việc tận dụng các gói hỗ trợ của Chính phủ đến nay.

"Năm ngoái, doanh nghiệp đã được tiếp cận với một số biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, nhưng trong đó chỉ có một số gói hỗ trợ được cho là có hiệu quả trực tiếp như gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong lĩnh vực du lịch có đóng bảo hiểm xã hội mức 3,7 triệu đồng mỗi người. Còn một số gói khác mà tôi có biết đến như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thì doanh nghiệp thua lỗ 2 năm, lấy đâu ra thu nhập mà miễn giảm thuế", ông Đạt chia sẻ và bày tỏ kỳ vọng vào Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ đang thúc đẩy trong hai năm 2022-2023.

Cần hơn hết những động lực phục hồi

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, không để lỡ nhịp phục hồi, sau Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, từ ngày 1/2/2022, Chương trình phục hồi quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã đi vào thực thi.

Với thời gian thực hiện chủ yếu trong vòng 2 năm, nhiệm vụ giải ngân 347 nghìn tỷ nhanh chóng, hiệu quả là không dễ dàng. Nhưng không thể chờ đợi lâu hơn nữa, bởi nền kinh tế đã đuối sức trong 2 năm qua và cần hơn hết những cú hích phục hồi ngay lúc này để đạt những mục tiêu dài hơi hơn. Nhất là trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức và một số dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể tăng trưởng chậm hơn trong năm nay.

Chẳng hạn, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều tính toán cho thấy trong năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt khoảng 5,2-6,2%. 

Đó là lý do vì sao các chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc thực thi hiệu quả Chương trình phục hồi quy mô 347 nghìn tỷ trong giai đoạn 2022-2023 để tạo đà cho phục hồi và phát triển bền vững. 

Trước thềm kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sốt ruột nhấn mạnh: “Nếu 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng không nhúc nhích được gì, thì có tác động để tăng thêm GDP như mục tiêu xây dựng Chương trình không?”. 

Tương tự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho hay: “Không phải bỗng dưng Quốc hội có kỳ họp bất thường, cũng không phải bỗng dưng Chính phủ, Quốc hội làm ngày làm đêm để ban hành Nghị quyết 43. Nhưng đến nay, việc tổ chức triển khai còn chậm, lỡ nhịp rất nhiều”.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa qua, nội dung triển khai các gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi do đó được rất nhiều đại biểu quan tâm, đề cập. Tiêu biểu, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc kỳ vọng những thảo luận tại Quốc hội và những quyết định trong Nghị quyết tại kỳ họp này sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình triển khai mạnh mẽ hơn các giải pháp phục hồi kinh tế. 

Bản thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 4/6 vừa qua cũng lo lắng chậm triển khai gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế làm ảnh hưởng tới hiệu quả của chương trình. Cho rằng đây là nội dung rất khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường kỷ cương, cố gắng đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình, không để lâu vì đã qua nửa năm trong tổng thời gian 2 năm thực hiện.

Đừng để cơ hội chỉ là cơ hội 

Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM) trăn trở: “Làm sao để Chương trình phục hồi với nguồn vốn gần 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022 - 2023 đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất và có hiệu quả là mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam

Theo ông Hùng, đây là gói hỗ trợ lớn nên có thế tác động đến tất cả lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu quan trọng của kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, với sau thời gian bị bào mòn sức lực bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp tiếp cận được vốn sẽ có cơ hội phục hồi và phát triển tốt hơn. Vì vậy, gói hỗ trợ này cần nhanh chóng được triển khai.

“Cơ hội sẽ vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ này không được thực hiện một cách có hiệu quả, hoặc chậm trễ. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, đối tượng hỗ trợ cần minh bạch, có giám sát và triển khai càng sớm càng tốt trên các lĩnh vực, từ phục hồi lao động cho đến kích thích bằng hỗ trợ lãi suất, thuế cho doanh nghiệp…”, ông Hùng nêu quan điểm.

Chẳng hạn, theo ông Hùng, chủ trương tiếp tục hỗ trợ lãi suất và giảm thuế VAT 2% sẽ thực sự là liều thuốc hữu ích để các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

“Rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong muốn việc triển khai các giải pháp hỗ trợ - trong đó có việc giải ngân - cần phải nhanh chóng, vì hơn lúc nào hết, đây là thời gian doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất. Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội và miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm sẽ giúp rất nhiều doanh nghiệp giảm được một khoản chi phí đáng kể, có nguồn vốn sớm để phục hồi kinh doanh. Và, trên bình diện quốc gia, đây còn là giải pháp để kiềm chế nguy cơ lạm phát, lãnh mạnh hóa thị trường tiền tệ”.

Bên cạnh khó khăn về vốn như ông Nguyễn Kim Hùng đề cập, các chủ doanh nghiệp như anh Nguyễn Tiến Đạt cũng mong muốn hơn những hỗ trợ cơ chế để làm thoáng môi trường kinh doanh, cho doanh nghiệp một bầu không khí và động lực phục hồi mạnh mẽ hơn. Vì theo ông Đạt, hỗ trợ vốn “chỉ như đang đói mà cho một con cá, ăn vèo cái là hết ngay”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch Thủ đô kiêm Giám đốc AZA Travel

“Thực tế đã chứng minh: Chính sách hỗ trợ “đúng” và “trúng” sẽ là động lực cho sự phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là con đường ngắn nhất để chính sách đi vào cuộc sống”, ông Nguyễn Kim Hùng bày tỏ kỳ vọng ở Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.