Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng tăng tốc độ giải ngân
Nhiều địa phương tiếp cận được vốn vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội , Bộ Xây dựng cho biết, hiện 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) đã giải ngân với số tiền là 1.234 tỷ đồng, bao gồm: 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Hiện có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký tham gia, gồm: Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Qua đó, nâng tổng số nguồn vốn của chương trình tín dụng lên 140.000 tỷ đồng.
Ngân hàng MB là 1 trong 4 ngân hàng vừa đăng ký dành 5.000 tỷ đồng tham gia gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, mức lãi suất cho cả chủ đầu tư và người mua nhà đều thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Hiện mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 73 dự án. Trong đó Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bình Định mỗi tỉnh đã công bố có từ 5-6 dự án.
Mới đây nhất, TP HCM đã được giải ngân 170 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, PGĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, trên cơ sở danh sách dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do UBND TP HCM công bố (gồm 6 dự án nhà ở xã hội), có 3 dự án đã và đang vay vốn tín dụng ngân hàng. Riêng dự án nhà ở cho công nhân thuê trên địa bàn TP Thủ Đức do Công ty CP Thủ Thiêm Group thực hiện đang vay gói tín dụng 120.000 tỷ, đã giải ngân 170 tỷ đồng.
Nhằm tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở xã hội, theo ông Lệnh, TP HCM cần tiếp tục các chính sách tín dụng ưu đãi, trong đó đảm bảo đáp ứng được yêu cầu ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và thu nhập của đối tượng chính sách, của người thu nhập thấp. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý của dự án. Dự án có đầy đủ pháp lý; đủ điều kiện vay vốn hoàn toàn tiếp cận thuận lợi vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng trong gói 120.000 tỷ đồng nói riêng...
Bắc Ninh là một trong những địa phương phát triển nhà ở xã hội mạnh thời gian qua. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cũng vừa tổ chức hội nghị thúc đẩy chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội theo nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc NHNN tỉnh Bắc Ninh, ngày 17/7/2023, theo phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh có 6 dự án thuộc 5 chủ đầu tư đáp ứng được yêu cầu vay vốn theo nghị quyết 33. Đến nay, có 2 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giải ngân cho vay 2 khách hàng là chủ đầu tư, tương ứng 2 dự án (dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Thống Nhất tại đường Lê Thái Tổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh; dự án khu nhà ở xã hội, siêu thị bán lẻ hàng điện máy và đồ gia dụng, tạp hóa tại phường Phố Mới, thị xã Quế Võ) với doanh số giải ngân đạt 170 tỷ đồng, dư nợ 164 tỷ đồng; giải ngân đối với 7 khách hàng là người mua nhà với doanh số 2,93 tỷ đồng, dư nợ 2,82 tỷ đồng...
Cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100 đã tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, nhất là người có mức thu nhập trung bình. Những hiệu ứng tích cực từ các quy định mới sẽ giúp các địa phương có thể thu hút đầu tư dự án nhà ở xã hội tốt hơn và mang lại nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội hơn cho người dân.
Ngoài việc hộ trợ người vay mua nhà ở xã hội có thể được vay tối đa lên đến 1 tỷ đồng thay vì 500 triệu như trước đó, quy định mới cũng đã nới điều kiện về thu nhập cho người mua nhà. Đó là nâng mức thu nhập lên 15 triệu đồng/ người. Còn nếu là hai vợ chồng tổng thu nhập không quá 30 triệu đồng/ tháng. Thay đổi này giúp người lao động có thể đến gần hơn với giấc mơ an cư.
Nhận định về việc người dân được vay gói ưu đãi lên đên 1 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội, Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, chính sách này sẽ hỗ trợ rất thiết thực cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Bởi vì trước đây cho vay 500 triệu, nếu bây giờ tiếp tục cho vay 500 triệu thì với giá cả vật liệu xây dựng, nhân công tăng lên, thực tế là không hỗ trợ được nhiều. Nhưng nâng mức hỗ trợ lên 1 tỷ đồng thì rất có lợi cho các cá nhân, hộ gia đình.
Bên cạnh những điều kiện thông thoáng cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội, các chuyên gia cũng kiến nghị cần cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa, sát với thực tiễn hơn trong việc lựa chọn đối tượng để cho mua, thuê nhà ở xã hội. Đồng thời để thu hút người mua, các dự án cũng cần đáp ứng đúng nhu cầu của người lao động, như có thêm hạ tầng tiện ích, trường học hay khu vui chơi.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức vào ngày 5/8, Bộ Xây dựng thông báo Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất vay từ 3-5% cho khách hàng mua nhà ở xã hội. Chính sách này kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm với lãi suất ưu đãi, nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp và công nhân trong các khu công nghiệp.
Đây được xem là cơ hội mới cho những người đang có nhu cầu sở hữu nhà ở khi mà nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành trong thời gian qua song việc tiếp cận vốn vay vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng (cho vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội) giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Trong đó, 15.000 tỷ đồng lấy từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, còn lại từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.