Gojek rời Việt Nam, 'miếng bánh' thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang chia ra sao?

Trang Mai 07:23 | 05/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông báo được phát ra mới đây từ công ty mẹ GoTo, Gojek sẽ chính thức đóng cửa hoạt động kinh doanh vào ngày 16/9. GoTo cho biết thêm việc rời thị trường Việt Nam sẽ không gây tổn hại đến tình hình tài chính của tập đoàn mẹ khi đơn vị này chiếm chưa đến 1% tổng giao dịch trong quý II.

Thị trường cạnh tranh khốc liệt

Đại diện Gojek trong một thông báo mới đây đã xác nhận đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam kể từ ngày 16/9 và cho biết quyết định chiến lược này được đưa ra nhằm cho phép công ty tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường, phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.

“Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến toàn bộ nhân viên, người dùng, các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, những người đã đóng góp và là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của Gojek tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành”, phía Gojek thông báo.

 Grab, Be và Gojek từng cùng nằm trong top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ TMĐT. (Nguồn: Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022).

Gojek gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2018 với tên gọi GoViet.

Đến năm 2020, GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek rồi hoạt động từ đó đến nay. Màu sắc nhận diện, trang phục của các tài xế đổi từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng tương tự công ty mẹ.

Hãng cung cấp các dịch vụ như vận chuyển (GoRide, GoCar), giao hàng (GoSend) và giao đồ ăn (GoFood). Theo tuyên bố, Gojek có khoảng 200.000 đối tác vào năm 2021, con số này thực tế có thể đã giảm đi rất nhiều.

Theo Business Times (Singapore), Gojek Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý II. Do đó, việc rút khỏi Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty.

Trước đó, Gojek đã rút khỏi Thái Lan vào 2021. GoTo hiện tập trung vào thị trường quê nhà và Singapore. Tại Indonesia, tổng giá trị các giao dịch (GTV) và số lượng đơn hàng hoàn thành tại Gojek vào quý II tăng lần lượt 18% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Ở Singapore, Gojek chứng kiến thị phần tăng 3 điểm phần trăm trong quý vừa qua. Thị trường này được biết đến với giá trị đơn hàng trung bình (AOV) ở mức cao, tiếp tục là một thị trường trọng điểm của GoTo.

Nhìn rộng hơn, “miếng bánh” thị trường gọi xe dường như không “dễ ăn” như vẻ bề ngoài, bởi các thương hiệu mới sẽ phải chi rất nhiều để cạnh tranh với Grab, thương hiệu vẫn đang giữ vị thế số 1 tại Việt Nam hiện nay, kể từ khi xuất hiện vào tháng 2/2014.

Bốn tháng sau sự xuất hiện của Grab Taxi khi ấy, Uber, ứng dụng gọi xe công nghệ được thành lập năm 2009 tại Hoa Kỳ mới tiến vào thị trường được xem là béo bở nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự tồn tại của Uber ở thị trường Việt cũng vô cùng ngắn ngủi khi 4 năm sau, vào ngày 26/3/2018, Grab và Uber đồng loạt thông báo, Grab đã hoàn thành thủ tục mua lại thị phần Đông Nam Á của đối thủ. Giá trị của thị phần này được đánh đổi bằng 27,5% cổ phần của Grab vào tay Uber. Đến ngày 8/4 cùng năm, Uber chính thức rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á.

Từ đó, Grab bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, trước khi vấp phải sự cạnh tranh đến từ Gojek. 

Sự trỗi dậy của các thương hiệu nội địa

Quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam của Gojek cho thấy sự khốc liệt của thị trường gọi xe công nghệ, khi sự trỗi dậy của các thương hiệu nội địa đang ngày càng mạnh mẽ. 

Theo công bố mới đây của Mordor Intelligence, dịch vụ gọi xe qua ứng dụng chiếm ưu thế với hơn 60% thị phần trên thị trường xe ôm trong nước. Sự gia nhập ngày càng tăng của cả các công ty trong nước và quốc tế vào các dịch vụ xe máy dựa trên ứng dụng, cùng với các chương trình khuyến mãi có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về thị trường gọi xe máy.

Trong báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” của Q&M ghi nhận, chi tiêu của người dùng cho ứng dụng gọi xe chiếm khoảng 40%, trong đó khoảng 80% được chi cho dịch vụ gọi xe máy.

Để duy trì thị phần tương ứng của mình trong một thị trường có tính cạnh tranh cao, các doanh nghiệp đã cải tiến lựa chọn và mở rộng hoạt động để cung cấp các ứng dụng di động. Theo khảo sát của Q&M, Grab là thương hiệu dẫn đầu với 42% người dùng lựa chọn. Be đứng thứ 2 với 32% và phổ biến trong giới trẻ, tiếp theo là XanhSM và Gojek với lần lượt 19% và 7%. Đây cũng là 4 thương hiệu được hầu hết người tham gia khảo sát biết đến. 

 Mức độ phổ biến các thương hiệu gọi xe tại Việt Nam. Ảnh: Khảo sát của Q&M

Những con số trên đã thấy dù gia nhập thị trường muộn hơn hai ông lớn Grab và Gojek, thế nhưng, cả Be và Xanh SM đều cho thấy năng lực cạnh tranh mạnh mẽ và là đối thủ đáng để các hãng gọi xe công nghệ nước ngoài tại Việt Nam hoặc muốn tham gia thị trường phải dè chừng.

Đáng chú ý, Xanh SM mới có mặt trên thị trường xe công nghệ vào đầu năm 2023. Nhưng tính đến cuối năm 2023, hãng đã sở hữu đội xe gồm 17.000 ôtô và 15.000 xe máy điện cùng gần 40.000 nhân sự.

Nhờ xây dựng đội xe hùng hậu với tốc độ nhanh chóng, thị phần người dùng trung thành của XanhSM đã bứt phá lên 19%, cao gấp đôi đối thủ có 6 năm kinh nghiệm tại Việt Nam là Gojek (7%).

Nối bước thành công của XanhSM, mới đây, thêm một ứng dụng gọi xe công nghệ thuần Việt có tên Cudidi (Cứ đi đi) gia nhập thị trường ứng dụng gọi xe và tỏ rõ tham vọng giành thị phần của những “ông lớn”. 

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Q&Me là sự khác biệt trong thói quen sử dụng ứng dụng giữa các nhóm tuổi. Grab vẫn là lựa chọn phổ biến nhất đối với nhóm khách hàng trên 30 tuổi, trong khi Be thu hút mạnh mẽ khách hàng trẻ, đặc biệt là Gen Z.

Trong độ tuổi từ 24-30, 46% người dùng vẫn lựa chọn Grab, 43% sử dụng Be, và 14% chọn Xanh SM. Tuy nhiên, đối với nhóm khách hàng từ 31-40 tuổi, sự ưa chuộng đối với Grab rõ ràng hơn với 54% sử dụng thường xuyên, trong khi tỷ lệ này của Be và Xanh SM lần lượt là 22% và 16%. Tương tự, nhóm tuổi từ 41-45 cũng cho thấy xu hướng tương tự khi 43% lựa chọn Grab, và cả Be lẫn Xanh SM đều đạt tỷ lệ 25%.

Về chi tiêu, khách hàng của Grab chi trung bình khoảng 366.000 đồng mỗi tháng cho việc gọi xe, trong khi người dùng Be chi đến 474.000 đồng. Mặc dù chi tiêu trên Grab thấp hơn, nhưng với lượng khách đông đảo, Grab vẫn duy trì vị thế thống trị về doanh thu trong lĩnh vực này.