Thị trường gọi xe công nghệ và cuộc cạnh tranh gay gắt về giá
Thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh
Tại thị trường xe ôm Việt Nam, tài xế xe ôm truyền thống vẫn hiện diện, đặc biệt là ở các khu du lịch. Tuy nhiên, dịch vụ gọi xe qua ứng dụng lại chiếm ưu thế với hơn 60% thị phần trên thị trường xe ôm trong nước (theo thống kê công bố mới đây của Mordor Intelligence). Sự gia nhập ngày càng tăng của cả các công ty trong nước và quốc tế vào các dịch vụ xe máy dựa trên ứng dụng, cùng với các chương trình khuyến mãi có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về thị trường gọi xe máy.
Cách đây 10 năm, Grab trở thành thương hiệu đầu tiên khai mở thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Gần nửa năm sau, Uber cũng gia nhập thị trường và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Phương thức vận tải ngày càng được mở rộng, bao gồm taxi công nghệ, xe ôm công nghệ, vận chuyển hàng hóa, giao đồ ăn...
Trong những năm gần đây, việc sử dụng dịch vụ gọi xe của hành khách ngày càng tăng. Báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” mới được Q&M công bố cho thấy, chi tiêu của người dùng cho ứng dụng gọi xe chiếm khoảng 40%, trong đó khoảng 80% được chi cho dịch vụ gọi xe máy.
Để duy trì thị phần tương ứng của mình trong một thị trường có tính cạnh tranh cao, các doanh nghiệp đã cải tiến lựa chọn và mở rộng hoạt động để cung cấp các ứng dụng di động. Theo khảo sát của Q&M, Grab là thương hiệu dẫn đầu với 42% người dùng lựa chọn. Be đứng thứ 2 với 32% và phổ biến trong giới trẻ, tiếp theo là XanhSM và Gojek với lần lượt 19% và 7%. Đây cũng là 4 thương hiệu được hầu hết người tham gia khảo sát biết đến.
Những con số trên đã thấy dù gia nhập thị trường muộn hơn hai ông lớn Grab và Gojek, thế nhưng, cả Be và Xanh SM đều cho thấy năng lực cạnh tranh mạnh mẽ và là đối thủ đáng để các hãng gọi xe công nghệ nước ngoài tại Việt Nam hoặc muốn tham gia thị trường phải dè chừng.
Đáng chú ý, Xanh SM mới có mặt trên thị trường xe công nghệ vào đầu năm 2023. Nhưng tính đến cuối năm 2023, hãng đã sở hữu đội xe gồm 17.000 ôtô và 15.000 xe máy điện cùng gần 40.000 nhân sự.
Nhờ xây dựng đội xe hùng hậu với tốc độ nhanh chóng, thị phần người dùng trung thành của XanhSM đã bứt phá lên 19%, cao gấp đôi đối thủ có 6 năm kinh nghiệm tại Việt Nam là Gojek (7%).
Nối bước thành công của XanhSM, mới đây, thêm một ứng dụng gọi xe công nghệ thuần Việt có tên Cudidi (Cứ đi đi) gia nhập thị trường ứng dụng gọi xe và tỏ rõ tham vọng giành thị phần của những tên tuổi như Grab, Be, Gojek.
Theo giới thiệu, Cudidi được xây dựng trên nền tảng công nghệ hoàn toàn Việt Nam, sử dụng hạ tầng công nghệ từ Viettel IDC nhằm kết nối trực tiếp tài xế với khách hàng để tối ưu chi phí. Tài xế sẽ không phải chia hoa hồng trên từng cuốc xe, mà chỉ cần đóng 10% thuế cho hợp tác xã nơi đăng ký xe. Ngoài ra, tài xế còn được hỗ trợ bảo dưỡng thay nhớt, sửa chữa chính hãng miễn phí từ các đối tác của Cudidi.
Về phía khách hàng, Cudidi đánh vào chiến lược giá. Cước trung bình của Cudidi cho xe máy là 3.500đ/km và xe ô tô là 8.500đ/km, thấp hơn 10 - 20% so với mức giá phổ biến trên thị trường gọi xe hiện nay. Bên cạnh đó, lãnh đại Cudidi tuyên bố sẽ không tăng giá trong khung giờ cao điểm và giữ mức giá ổn định trong ít nhất vài năm.
"Chỉ trong 5 năm nữa, chúng tôi sẽ giành lấy được thị trường này", ông Nguyễn Trọng Cư - Tổng Giám đốc CTCP DVKT C&U Việt Nam (đơn vị vận hành nền tảng gọi xe công nghệ Cudidi) chia sẻ với báo chí.
Cuộc cạnh tranh về giá
Quyền lợi của tài xế, các chính sách ưu đãi và đặc biệt là giá thành di chuyển mà Cudidi đang tập trung làm chính là những điểm cả tài xế và khách hàng quan tâm trên các nền tảng đặt xe. Điển hình như cam kết không tăng giá trong khung giờ cao điểm. Đa phần các dịch vụ gọi xe hiện nay đều tăng thêm 10% , 30% hoặc thậm chí 50% vào khung giờ cao điểm hoặc có thời tiết xấu như mưa hay quá nắng nóng. Thậm chí rất khó tìm được tài xế dù đã chấp nhận mức phí cao hơn bình thường. Và trên hết là chiến lược “giá rẻ”.
Khi mới ra mắt, Grab không tiếc tiền đưa ra hàng loạt mã giảm giá, khuyến mại lớn, nhất là trong cuộc cạnh tranh với Uber. Khi Uber rút lui, họ cũng ngừng chương trình này. Khi FastGo ra đời cạnh tranh mảng gọi xe ô tô (năm 2018), ứng dụng này ra nhập thị trường gọi xe bằng chiến lược giá với một số chiến dịch tiêu biểu như "đồng giá 12K", "đền tiền gấp 3" nếu khách hàng thấy app đối thủ rẻ hơn... Grab liền tung nhiều mã giảm giá 10.000đ - 25.000đ cho khách hàng sử dụng Grab Car và kéo dài chương trình nhiều tuần liên tiếp. Và với số lượng tài xế đông đảo, lại thêm nhiều mã khuyến mại, Grab đã nhanh chóng chiến thắng trong cuộc đua này.
Khi gia nhập thị trường vào tháng 9/2018, Go-Việt cũng gây được tiếng vang lớn và thu hút đông đảo người tải ứng dụng và gọi xe khi liên tục có những cuốc xe 1.000đ, 6.000đ hay 10.000đ. Thời điểm đó, Grab lại rót các mã giảm giá tới 10.000đ-25.000đ cho mỗi cuốc xe, thậm chí mỗi tài khoản có thể sử dụng nhiều mã giảm giá.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Tuất - Tổng Giám đốc Tập đoàn NextPay trên báo Tổ quốc, tất cả mô hình của nền kinh tế chia sẻ, cạnh tranh duy nhất là giá, khuyến mãi, các chương trình ưu đãi. Ngay cả với cuộc chiến gọi xe, ông Tuất nhìn nhận bản chất đó là "game về tài chính", rất khó để tạo ra lợi nhuận bởi chi phí đầu tư hạ tầng, vận hành rất lớn so với lợi nhuận trên mỗi cuốc xe.
Điển hình như tại Grab. Dù là ứng dụng phổ biến nhất nhưng đơn vị này liên tục chìm trong thua lỗ. Năm 2021, Grab Việt Nam lỗ 301 tỷ đồng dù doanh thu chỉ giảm nhẹ từ 3.762 tỷ đồng xuống 3.346 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, Grab ghi nhận khoản lợi nhuận lên đến 243 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2020 cũng là năm hiếm hoi đơn vị này có lãi. Trước đó, số lỗ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí lên tới 1.697 tỷ đồng vào năm 2019.
Nhìn sang Be, khi gia nhập thị trường đã dõng dạc tuyên bố: “Không tăng giá vào giờ cao điểm”. Mức giá của Be cũng thường xuyên nằm ở mức giữa so với 2 đối thủ Grab và Go - Việt. Ngoài ra, tại thời điểm đó, Be cũng thường xuyên tung ra những mã code giảm giá ưu đãi cho khách hàng để khuyến khích người dùng chuyển sang nền tảng của mình. Thế nhưng hiện nay, sự chênh lệch về giá so với Grab hay các ứng dụng khác cũng không còn quá rõ ràng, đôi chỉ chỉ chênh lệch vài nghìn đồng khi đặt xe cùng một thời điểm, do đó khách hàng đã không còn quá nhiều sự so sánh về giá giữa các thương hiệu, mà chủ yếu tập trung vào chất lượng dịch vụ và thời gian tìm kiếm tài xế.
Bức tranh toàn ngành cho thấy thị trường gọi xe Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cũng không dành cho những bên tài chính mỏng. Và những tân binh muốn tiến sâu vào thị trường sẽ cần sự chuẩn bị rất kỹ càng về chiến lược, chất lượng, và đặc biệt là tài chính.