Grab thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp tại Đông Nam Á
Ứng dụng gọi xe công nghệ Grab mới đây ra mắt Grab Venture - quỹ đầu tư tập trung thúc đẩy và rót vốn cho các công ty khởi nghiệp trong khu vực.
Trước đó, Grab hợp tác và hỗ trợ start-up xe không người lái Drive.ai, mua lại công ty khởi nghiệp phát triển nền tảng thanh toán di động Kudo của Indonesia. Trong 24 tháng tới, Grab Venture sẽ tiếp tục đầu tư thêm cho khoảng 8 đến 10 đơn vị khởi nghiệp, đồng thời đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau.
"Công ty đầu tư sẽ tiến hành nhiều chương trình thúc đẩy dành cho các start-up đang ở giai đoạn tăng trưởng và ươm mầm các dịch vụ mới có khả năng phát triển trong môi trường kinh doanh của Grab", Giám đốc Grab Venture, Chris Yeo cho biết trên TechCrunch.
Grab Venture bao gồm hai hoạt động chính. Một là đầu tư để phát triển các công nghệ mũi nhọn và tự xây dựng các ngành kinh doanh đang phát triển nhanh cho Grab như xe đạp và scooter chạy bằng điện. Hai là thực hiện chương trình thúc đẩy tăng trưởng "Velocity" cuối năm nay, trợ giúp từ 4 đến 6 công ty khởi nghiệp, cung cấp các chuyên gia, nguồn lực công nghệ và mạng lưới.
Grab tin tưởng rằng, với 100 triệu lượt ứng dụng tải về và sức ảnh hưởng tại 200 thành phố, công ty này có đủ tiềm lực để giúp các start-up khác phát triển. Ảnh: TechCrunch |
Không giống như các chương trình thúc đẩy truyền thống, kế hoạch đầu tư của Grab không nhắm vào một kiểu công ty cụ thể và cũng không dựa trên về mức độ phát triển nào. Các công ty được lựa chọn có thể hưởng lợi từ mạng lưới kinh doanh rộng khắp khu vực và các lĩnh vực kinh doanh đa dạng của Grab như giao hàng nhanh, thanh toán di động và dịch vụ tài chính.
Chương trình đầu tư không đặt hạn mức cho mỗi lần rót vốn, nhưng chủ yếu tìm kiếm khoảng 8 đến 10 công ty đang phát triển các lĩnh vực có thể hợp tác với ứng dụng gọi xe công nghệ. Đơn vị xác định các cơ hội đầu tư bằng cách sử dụng đội ngũ nhân sự đang hoạt động tại 8 thị trường trong Đông Nam Á. Trong khi Singapore là nơi đặt trụ sở, Grab sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tại Indonesia và tìm kiếm cơ hội đầu tư trên khắp khu vực.
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, Chris Yeo cho biết: "Đây là lúc chúng tôi có thể đền đáp sự giúp đỡ to lớn từ cộng đồng trong suốt những năm qua". Ông nhận định ứng dụng gọi xe này cần có trách nhiệm trao quyền lại cho các thế hệ khởi nghiệp tiếp theo.
Đi cùng với đó, công ty hướng đến xây dựng một hệ sinh thái cho các startup tại Đông Nam Á. Theo báo cáo của Google, đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển với hơn 600 triệu người tiêu dùng, nơi nền kinh tế Internet sẽ tăng từ 50 tỷ USD/năm vào năm 2017 lên 200 tỷ USD vào năm 2015. Riêng lĩnh vực gọi xe được dự báo sẽ tăng lên 20 tỷ USD vào năm 2025 từ 5 tỷ USD năm 2017.
Theo Chuyên trang StartupViet