Hà Nội cân nhắc cho shipper hoạt động trở lại đến 20h hàng ngày
Theo đó, nhằm đáp ứng việc tăng cường công tác chống dịch, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã gửi văn bản đề xuất thành phố Hà Nội đồng ý chỉ có phép nhân viên giao hàng (shipper) bằng xe 2 bánh chỉ hoạt động từ 9 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Thông tin này được ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố tiết lộ với báo chí.
Yêu cầu kèm theo là nhân viên giao hàng khi vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu chính phải đưa ra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong thời hạn cho phép.
Sở Giao thông vận tải cũng đưa ra đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu xây dựng hướng dẫn tự tổ chức xét nghiệm làm cơ sở để các đơn vị triển khai, thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Trước đó, Sở GTVT đã cấp phép cho khoảng 7.000 xe mô tô, xe 2 bánh hoạt động shipper nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng của người dân Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Trong số này, danh sách Sở Thông tin và Truyền thông gửi sang là hơn 12.600 xe, Sở Công Thương là 699 xe.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công thương thì thành phố Hà Nội đã cấp phép cho gần 15.000 shipper quay trở lại hoạt động giao nhận hàng hoá từ tháng 7 trở lại.
Về quan điểm đối với nhóm ngành vận chuyển hàng hóa, Bộ nói rằng ủng hộ phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn thương mại điện tử tiếp tục được hoạt động bình thường. Nhưng những người giao hàng cần đáp ứng điều kiện hoạt động là thuộc các sàn thương mại điện tử, công ty giao nhận phải đăng ký danh sách nhân viên hoạt động với Sở Giao thông Vận tải. Nhân viên được đăng ký phải có hợp đồng lao động. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm cấp thẻ hoạt động, hoặc tin nhắn xác nhận hoạt động... tùy theo từng địa phương quyết định.
Shipper tại các tỉnh thành khác có dịch hoạt động ra sao?
Ngày 23/8, thành phố Đà Nẵng đã cho phép nhân viên giao hàng hoạt động trực thuộc doanh nghiệp cung ứng hoặc người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) được giao hàng cho các hộ gia đình có nhu cầu. Thời gian hoạt động đến 20 giờ hàng ngày - tương tự như đề xuất của Sở GTVT Hà Nội hiện tại.
Điều kiện hoạt động gồm: Tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, xét nghiệm định kỳ 3 ngày/1 lần bằng phương pháp PCR; tuân thủ nghiêm 5K. có thẻ nhận diện tham gia giao thông do Công an TP Đà Nẵng cấp kèm giấy tờ tùy thân và các giấy tờ xác nhận đã tiêm vaccine, đã xét nghiệm. Đáng chú ý thành phố này còn yêu cầu các shipper phải mặc trang phục bảo hộ của ngành y tế.
Tính đến ngày 22/8, Đà Nẵng đã thông qua danh sách cho khoảng gần 800 shipper của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, công ty thương mại đầu mối trên địa bàn đủ điều kiện được hoạt động.
Tại Tp.HCM - một trong những điểm nóng về dịch COVID-19 của cả nước thì từ ngày 28/8 đã cho phép shipper hoạt động trở lại tại 8 quận, huyện "vùng đỏ".
Thành phố yêu cầu lực lượng này phải cho các phường (trạm y tế lưu động do quân y quản lý) tổ chức điểm xét nghiệm tại mỗi phường, ít nhất mỗi phường có một điểm. Hằng ngày, từ 5h - 6h sáng, các shipper tại các khu vực trên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được hoạt động. Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" sẽ xét nghiệm tăng cường 2 lần/tuần.
Ngày 1/9, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết có 22.124 shipper đã đăng ký hoạt động trở lại của 33 đơn vị trên địa bàn 21 quận, huyện và thành phố trực thuộc Thủ Đức.
Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội tại Hà Nội vẫn hết sức phức tạp, tính từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày 4/9, thành phố tiếp tục chứng kiến 38 ca dương tính. Trong đó có 28 ca đã được cách ly, 10 ca tại khu vực phong tỏa.
Các ca mắc được ghi nhận tại 7 quận, huyện: Thanh Xuân (19), Hai Bà Trưng (10), Đống Đa (4), Đan Phượng (2), Hoàng Mai (1), Gia Lâm (1), Hoàn Kiếm (1) và phân bố theo chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến thời điểm hiện tại) Hà Nội cho biết đã ghi nhận 3.468 ca mắc COVID-19. Trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.559 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.909 ca.
Trải qua 3 đợt giãn cách cùng nhiều đợt xét nghiệm diện rộng thì chính quyền thành phố đã nhận thấy dịch đang xuất hiện nhiều hơn tại các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, còn những quận huyện khác nguy cơ đã giảm phần nào.
Do đó, nhằm giảm tải gánh nặng an sinh xã hội và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp nên Tp.Hà Nội đã đưa ra phương án giãn cách mới, phân loại vùng nguy cơ cụ thể phù hợp với mức độ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.
Duy Anh