Hà Nội chốt xong tổng chi phí làm đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô dự kiến có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027. Nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội triển khai dự án là 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 19.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là hơn 4.000 tỷ đồng.
Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021- 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của Dự án như sau: Năm 2020 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng.
"UBND thành phố cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hằng năm sẽ được UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết.
HĐND TP Hà Nội thống nhất chủ trương, trong trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án thành phần do TP Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện theo cơ chế được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư của dự án phải điều chỉnh tăng, thì phần vốn tăng thêm sẽ được xem xét bố trí từ nguồn vốn Ngân sách TP.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định Vành đai 4 là dự án quan trọng, trách nhiệm của Thường vụ Quốc hội rất lớn, làm sao phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, tránh tình trạng "chuẩn bị đầu tư rất nhanh, thông số rất hoành tráng, nhưng tiến hành thì kéo dài, phân tán, dàn trải nguồn lực, thậm chí sai phạm".
Nhắc lại tình trạng vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5 Hà Nội đều chưa hoàn thành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan liên quan làm rõ tính khả thi của dự án Vành đai 4 khi xác định hoàn thành giai đoạn 2021-2025. "Chính phủ có cam kết đảm bảo được vấn đề này, nếu không thì ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm thế nào", ông Huệ nói, đề nghị cơ quan trình dự án chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi Quốc hội cho ý kiến.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cơ quan trình dự án cần đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng; làm rõ khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.
Riêng đối với dự án Vành đai 4, ông Thanh đề nghị Hà Nội làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư trong bối cảnh "các dự án đường vành đai khác của thành phố còn chưa bảo đảm tiến độ". Và Hà Nội cần quan tâm, phân bổ nguồn lực hợp lý không chỉ phát triển cao tốc mà còn cho hệ thống giao thông công cộng. Đây là vấn đề "rất cấp bách, bức xúc nhưng chưa có nhiều chuyển biến tại Hà Nội".
Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài gần 113 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh: huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.
Dự án được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần, bao gồm: (1) Nhóm dự án 01: với 3 dự án thành phần thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn các tỉnh thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên; (2) Nhóm dự án 02: với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành triển khai trên địa bàn của các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; (3) Nhóm dự án 03: với 1 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng BOT.