Hà Nội có thể chuyển từ giai đoạn thu hút FDI sang hợp tác đầu tư, phát triển
08:29 | 30/01/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Thành phố Hà Nội về công tác thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI).
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản báo cáo thực trạng tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2018, thành phố Hà Nội có gần 4.500 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD.
Trong đó: Giai đoạn 1989-2005 thu hút 10,95 tỷ USD; Giai đoạn 2006-2014 thu hút 15,22 tỷ USD; Giai đoạn 2015-2018 thu hút 15,11 tỷ USD. Năm 2018, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD - lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Về hình thức đầu tư: dự án 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn (80%), còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo lĩnh vực, vốn đầu tư thu hút lớn nhất là vào bất động sản (29,53%), tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo (20,01%), thông tin truyền thông (11,48%). Theo quốc gia, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,48 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.
Theo Phó Chủ tịch Toản, thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có.
Dự kiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2019, ông Toản cho biết, giai đoạn 2019 - 2020, Thành phố Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng.
Bao gồm: Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoảt nước, môi trường; lĩnh vực sản xuất, gia công, trong đó, ưu tiên các ngành, lĩnh vực chế biến nồng, lâm, thủy hải sản và thực phẩm; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến và in 3-D, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo, tạo thêm việc làm với mức lương cao hơn và người lao động được phát triển kỹ năng, tay nghề; lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao như: Dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, Thương mại, giáo dục đào tạo..
Thành phố quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành, chính, tập trung chi đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với các hoạt động đối ngoại, văn hóa; Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (tập trung vào 3 khu vực lớn là: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản – Hàn Quốc...
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, sau 30 năm thu hút FDI, trong thành công chung của cả nước, Hà Nội có sự thành công vượt trội, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô. Ngoài ra, tỉ trọng vốn FDI giảm trong tổng thể thu hút vốn chung cho thấy, việc thu hút nguồn lực trong nước cũng được đẩy mạnh, tránh lệ thuộc vào nước ngoài...
Qua thực tiễn tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong giai đoạn 10 năm tới, đến năm 2030, với bối cảnh, yêu cầu cũng như thách thức mới đặt ra đòi hỏi phải đổi mới tư duy trong thu hút và sử dụng FDI.
Riêng với Hà Nội Phó Thủ tướng đặt vấn đề: “Hà Nội có thể chuyển từ giai đoạn tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang giai đoạn hợp tác toàn diện đầu tư, phát triển”.
Phó Thủ tướng lưu ý, hợp tác toàn diện thể hiện qua việc coi nhà đầu tư là đối tác, trong đó, thể hiện qua sự trân trọng, cầu thị theo văn hóa Việt Nam, tạo môi trường đáng sống để các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam gắn bó với Việt Nam. Hướng thu hút đầu tư cũng phải đổi mới, có chọn lọc với những tiêu chí mới, trong đó đặc biệt đặt yêu cầu cao hơn với tiêu chí khoa học công nghệ. Trong xúc tiến đầu tư phải chú trọng đến yếu tố dài hạn, nắm bắt nhu cầu của thế giới, chuyển từ chiều rộng sang chiều sau, từ số lượng sang chất lượng, có trọng điểm.