Hà Nội khẩn trương triển khai gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc xây dựng dự thảo thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết:
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã thành lập tổ công tác bao gồm lãnh đạo Sở là tổ trưởng, các trưởng phòng nghiệp vụ có liên quan là thành viên và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong tổ.
Người dân phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.
Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, sáng ngày 8/7/2021, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã họp ngay tổ công tác để triển khai Quyết định. Trong cuộc họp này, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phân công cho các phòng chuyên môn có liên quan nghiên cứu chính sách, xây dựng những quy trình, trình tự, để xuất ý kiến xây dựng kế hoạch triển khai. Đồng thời, Sở LĐTB&XH Hà Nội có văn bản gửi các sở, ngành có liên quan để đề nghị xây dựng trình tự, thủ tục của ngành họ khi thực hiện Quyết định số 23.
Các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn quận Hà Đông đang nhận kinh phí hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.
Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng liên hệ với Sở Tài chính để hướng dẫn nghiệp vụ; phối hợp với Sở Tư pháp về quy trình thủ tục trình TP ban hành quyết định, Ban Văn hóa – Xã hội cho ý kiến về nội dung cụ thể để trình TP dự thảo quyết định thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trước những băn khoăn của dư luận về việc lao động tự do làm những công việc gì thì được TP Hà Nội hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh đã có phản hồi: Trong Nghị quyết 68 nêu rõ chính sách 12, đó là: Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, TP xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.....
Như vậy, Nghị quyết 68 đưa ra căn cứ vào khả năng và tình hình chống dịch của địa phương để áp dụng. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội sẽ căn cứ vào Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch TP Hà Nội quy định một số ngành nghề tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. Thứ hai là căn cứ vào thời điểm, nơi cách ly. Nhưng hiện nay đang là xây dựng dự thảo quyết định và xin ý kiến các sở, ngành, sau đó sẽ trình UBND TP xem xét, quyết định đối tượng lao động tự do nào sẽ được hỗ trợ.
“Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ khi được xây dựng đã rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP. Vì thế, tinh thần của Sở LĐTB&XH Hà Nội là đề nghị các phòng chuyên môn nghiệp vụ khi xây dựng chi tiết dự thảo quyết định để trình TP thì không đặt thêm bất kỳ điều kiện gì nữa ngoài Quyết định số 23 của Thủ tướng. Hiện nay chúng tôi đang đôn đốc các sở, ngành cố gắng đầu tuần sau gửi ý kiến về Sở, để tổng hợp trình UBND TP Hà Nội xem xét, ban hành, sau đó sẽ triển khai thực hiện” – ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay.
Kinh tế đô thị
Xem thêm: dung-de-dn-phai-doi-chinh-sach-nhu-co-gai-doi-nguoi-yeu