Hà Nội phản hồi ý kiến cử tri về dự án 'đắp chiếu' hơn thập kỷ

Đông Bắc 15:18 | 22/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND TP Hà Nội vừa phản hồi ý kiến của cử tri liên quan đến kiến nghị thành phố sớm có chủ trương giải quyết đối với dự án do Công ty Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (dự án Nam Đại Cồ Việt rất lâu chưa triển khai).

 

UBND thành phố Hà Nội cho biết,  dự án Nam Đại Cồ Việt (theo nội dung được chấp thuận tại Quyết định số 6211/QĐ-UBND ngày 6/9/2017 của UBND thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư), nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt (Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà cùng Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh góp vốn thành lập).

Quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 22.899 m2. Do có một phần diện tích đất trùng với dự án bãi đỗ xe đã được tách thành dự án riêng nên diện tích thực tế của dự án là 21.204 m2. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.345,7 tỷ đồng; tiến độ thực hiện đến quý IV/2020.

Dự án chậm tiến độ một phần do trong tổng số 21.2014 m2 đất của dự án, còn khoảng 15.053 m2 (chiếm 71% diện tích) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, vì không nhận được sự đồng thuận của người dân và nhà đầu tư chậm ứng kinh phí.

  Dự án Nam Đại Cồ Việt  đã "treo" hơn chục năm. Ảnh KTĐT.

Dự án đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 (Quyết định số 5016/QĐ-UBND ngày 19/7/2002) của UBND thành phố Hà Nội. Đến nay, các quy định, chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã có nhiều thay đổi, trải qua Luật Đất đai các năm 1993, 2003, 2013. Do vậy, năm 2017, UBND thành phố xem xét, đã cho phép tách 3 ô đất (I-B, VIII-A, VIII-B) ra khỏi phạm vi dự án để các hộ gia đình tự chỉnh trang nhà ở theo quy hoạch được duyệt.

Ngoài ra, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án.

Trên cơ sở ý kiến của Tổng cục Quản lý đất đai (văn bản số 1737/TCQLĐĐ ngày 14/8/2020), Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện theo quy định...

Về việc tiếp tục triển khai dự án, UBND thành phố cho biết, theo quyết định chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện dự án đã hết (quý IV/2020). Nhà đầu tư đã đề xuất điều chỉnh tiến độ dự án để tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, UBND thành phố nhận được kiến nghị của một số công dân liên quan đến dự án.

Ngoài ra, dự án liên quan đến vụ án của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang điều tra. Do vậy, việc xem xét phương án xử lý đối với dự án cần thận trọng, chặt chẽ trên cơ sở kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Hà Nội công khai 23 dự án lớn chậm triển khai, vi phạm bị thu hồi

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã công khai thông tin xử lý đối với loạt dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố.

Với các dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn Thủ đô, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan tổ chức công khai, minh bạch thông tin xử lý trên phương tiện truyền thông địa phương như: Loa, đài phát thanh và tại địa điểm đất sử dụng... liên quan đến 23 dự án mà  UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng và chấm dứt hoạt động dự án.

  Nhiều dự án tại Hà Nội chậm tiến độ, bỏ hoang nhiều năm. Ảnh KTĐT. 

 Trong số 23 dự án mà UBND Thành phố đã có quyết định thu hồi đất, huyện Thạch Thất có số lượng dự án bị thu hồi nhiều nhất, gồm: Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty CP An Lạc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trường đại học tại địa bàn huyện Thạch Thất, trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn, Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư; Dự án biệt thự nhà vườn, chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại quốc tế Như Thành…

Tiếp đó là huyện Mê Linh với các dự án như: Khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh) của Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Dự án Khu đô thị mới Prime Group – khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh) của Công ty CP Prime Group; Dự án Khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm) của Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á.

Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có  dự án chậm triển khai bị UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất, gồm: Dự án cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án bãi đỗ xe tĩnh, khu đất bãi sông Hồng, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Công ty CP Xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An làm chủ đầu tư…

Thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở TN&MT cũng đề nghị các sở, ngành Thành phố và UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố về công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, giám sát của Nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện. Đồng thời tổng hợp, báo cáo rõ kết quả thực hiện các nội dung đã được giao cụ thể cho từng đơn vị theo các văn bản chỉ đạo nêu trên.