Hà Nội tiếp tục 'nóng' đấu giá đất vùng ven, kịch bản cũ có tái diễn?

Đông Bắc 11:53 | 17/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đấu giá đất vùng ven Thủ đô tiếp tục sôi động khi gần 100 thửa đất chuẩn bị cho ra đấu giá tại các huyện như Thanh Oai, Phúc Thọ, Mê Linh.... Bên cạnh đó, nhiều người vẫn lo ngại về nạn đầu cơ thổi giá tại những phiến đấu giá sắp tới.

 

Huyện Thanh Oai sắp đấu giá tiếp 58 lô đất

Một số huyện vùng ven Hà Nội đã tạm hoãn đấu giá đất sau khi các cuộc thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc về việc giá trúng cao bất thường như ở huyện Thanh Oai và Hoài Đức. Tuy nhiên, một số địa phương khác vẫn tiến hành đấu giá đất theo kế hoạch. Đáng chú ý, huyện Thanh Oai cũng vừa thông báo tiếp tục đấu giá đất.

Cụ thể, huyện Thanh Oai (Hà Nội) vừa ra thông báo đấu giá quyền sử dụng đối với 58 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man (thuộc dãy ONT-07 và ONT-08), ở thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Cụ thể, các lô đất có diện tích từ 76,55m2 đến 189,73m2; giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2, tương đương từ gần 406 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi lô. Khách hàng tham gia đấu giá đất phải nộp trước khoảng 81-201 triệu đồng. Hình thức đấu giá từng thửa đất bằng việc bỏ phiếu kín trực tiếp một lần đấu. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá vào sáng 5/10.

 Huyện Thanh Oai (Hà Nội) tiếp tục đấu giá đất. Ảnh VNM.

Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Oai cũng đang tìm đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đợt 3 đối với 73 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man. Lô số 01 (ONT-01) ký hiệu thửa đất từ 01 đến 20; lô số 02 (ONT-02) ký hiệu thửa đất từ 21 đến 49; lô số 03 (ONT-03) ký hiệu thửa đất từ 50 đến 73. Tổng diện tích các lô đất hơn 7.647 m2, giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2.

Trước đó, ngày 29/8, Công ty đấu giá Hợp Danh đấu giá Việt Nam đã có thông báo tạm dừng tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng 57 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai (đợt 1). Các thửa đất có diện tích dao động từ 74,63 m2 đến 134,69 m2, giá khởi điểm tăng lên 8,8 triệu đồng/m2, tương đương từ 660 triệu đồng đến gần 1,2 tỷ đồng/thửa. 

Nguyên nhân tạm dừng đấu giá là ngày 29/8 UBND huyện Thanh Oai có Công văn số 2421 về việc tạm dừng tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đối với 114 thửa đất trên địa bàn xã Cao Dương. Theo đó, các khách hàng đã đăng ký tham gia đấu giá sẽ được hoàn trả lại tiền hồ sơ...

Cùng với Thanh Oai, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cũng thông báo về việc đấu giá quyền sử dụng 26 thửa đất thuộc khu Đồng Sậy - Trẫm Sau (giai đoạn 2), thị trấn Phùng. Cụ thể, các thửa đất có diện tích dao động từ 55m2 đến 99m2, giá khởi điểm từ 14 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước của các lô đất dao động 193-278 triệu đồng/lô.

Hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên. Thời gian phát hành, tiếp nhận hồ sơ đăng ký đấu giá từ 8h ngày 12/9 đến 17h ngày 27/9 (trong giờ hành chính). Buổi đấu giá được tổ chức vào 8h30 ngày 30/9 tại hội trường UBND thị trấn Phùng.

Khách hàng nộp tiền đặt trước bằng phương thức nộp tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng của Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 - Quốc gia trong thời hạn từ ngày 25/9 đến 17h ngày 27/9.

Huyện Mê Linh cũng ra thông báo đấu giá 11 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh (đợt 5), huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Các thửa đất có diện tích 90 m2/thửa với giá khởi điểm 23,2 triệu đồng/m2.

Thời gian phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ từ ngày 11/9 đến 17h ngày 25/9 (giờ hành chính) tại trụ sở Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh (khu trung tâm hành chính huyện, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội).

Khách hàng nộp tiền đặt trước từ 8h ngày 25/9 đến 8h30 ngày 27/9 (có thể nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá trước thời gian trên) vào tài khoản ngân hàng của Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam.

Về phương thức nộp hồ sơ, khách hàng nộp trực tiếp tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh; hoặc gửi thư đảm bảo đến Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam. Về việc xem thực địa, khách hàng có thể trực tiếp đến xem xét khu đất hoặc liên hệ với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh để xem thực địa trong các ngày 19/9 và 20/9 (giờ hành chính).

Buổi đấu giá được tổ chức vào 14h ngày 28/9 dự kiến tại hội trường Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện Mê Linh...

Đã có hiện tượng “đầu cơ” đất đấu giá?

Thời gian gần đây, việc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội với giá trúng cao “đột biến” đã khiến nhiều người hoài nghi đây là cách thức của các nhóm đối tượng đầu cơ gây sốt ảo nhằm thu lợi bất chính. Thực tế nhiều địa phương tại Hà Nội đã phải ra thông báo tạm hoãn các phiên đấu giá đất trong kế hoạch.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến câu chuyện này, cơ quan chức năng huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đã cho biết, nhiều trường hợp trúng đấu giá với giá cao “chót vót” tại địa phương đã bỏ cọc, không nộp tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc trả giá cao trong các phiên đấu giá để "thổi" giá bất động sản không hiếm trong thời gian vừa qua. Không ít trường hợp người tham gia đấu giá (thường là nhóm các nhà đầu cơ) cố tình trả giá cao để tạo ra mặt bằng giá mới rồi sau đó "lướt cọc" hoặc "bỏ cọc", thoát hàng ra để chốt lời.

Mục đích chính các đối tượng thổi giá nhằm lũng đoạn thị trường, gây hoang mang cho những người tham gia đấu giá, thậm chí nhiều trường hợp nhằm mục đích trục lợi, kiếm lời. Điều này gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn đến uy tín, kinh tế cho cơ quan quản lý Nhà nước, làm thất thu ngân sách.

Chính vì vậy, khi mà các phiên đấu giá đất tại huyện vùng ven Hà Nội sôi động trở lại khiến cho nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu tình trạng "đầu cơ", thổi giá có tiếp tục tái diễn? 

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, giá đất trung bình ở các khu vực ngoại thành như Hoài Đức hay Thanh Oai rơi vào khoảng 30-40 triệu đồng/m2 là hợp lý. Một trong những nguyên nhân khiến những phiên đấu giá đất này thu hút rất đông người tham gia là do giá khởi điểm thấp, chỉ khoảng 7 triệu đồng/m2, bởi mức giá này vẫn tính theo bảng giá đất cũ và nhân với hệ số, trong khi mặt bằng giá thị trường phổ biến ở mức 30-40 triệu đồng/m2.

Cùng với đó, do giá khởi điểm thấp nên tiền cọc cũng thấp theo, càng tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ tham gia và sẵn sàng bỏ cọc.

Tuy nhiên, những lô đất đấu giá với mức giá trúng lên đến 133 triệu đồng/m2 là hết sức bất thường. Nếu đất ở khu vực vùng ven giá đã hàng trăm triệu đồng/m2 thì ở khu vực đô thị sẽ tăng khủng khiếp, làm cho phát triển kinh tế chậm lại, những người có nhu cầu ở thực sẽ khó có cơ hội tiếp cận nhà ở.

Giá đất tăng đột biến có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm được lợi nhuận cao. Điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị “ứ đọng” trong đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.

Ông Thịnh phân tích: “Có thể có những nhà đầu cơ đã mua nhiều mảnh đất ở các khu vực xung quanh đó, nên họ muốn nhân cuộc đấu giá này để đẩy giá đất ở khu vực này lên một mặt bằng mới. Từ đó, họ có thể bán được những mảnh đất đã mua với lợi nhuận cao. Với các trường hợp này, họ sẵn sàng bỏ cọc với những mảnh đất đấu giá khi lợi nhuận họ kiếm được cao gấp nhiều lần”.

 

  Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw. Ảnh NVCC.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đấu giá đất mất kiểm soát, cần có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ từ phía chính quyền. Những giải pháp này nếu được thực hiện đồng bộ, sẽ góp phần đáng kể vào việc kiểm soát tình trạng thổi giá và đầu cơ trên thị trường bất động sản.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, cần tăng cường giám sát chặt chẽ các cuộc đấu giá đất, nâng mức đặt cọc đấu giá và yêu cầu minh bạch thông tin về người tham gia đấu giá. Điều này giúp giảm thiểu sự tham gia của các nhóm đầu cơ và đảm bảo rằng các cuộc đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch. Cần xác định rõ các tiêu chí nhận diện hành vi đầu cơ, bao gồm việc sở hữu nhiều BĐS, thời gian nắm giữ dưới 5 năm, và bất động sản không sử dụng. Dựa trên các tiêu chí này, có thể áp dụng các sắc thuế phù hợp để ngăn chặn đầu cơ.

Ông Hà cho biết thêm, theo kinh nghiệm quốc tế, một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đầu cơ là áp dụng thuế cao đối với đất đai không sử dụng hoặc bị đầu cơ. Thuế cũng cần được áp dụng đối với các giao dịch mua bán đất ngắn hạn, nhằm giảm bớt động cơ đầu cơ và rửa tiền. Áp dụng hệ thống thuế suất lũy tiến dựa trên giá trị bất động sản, trong đó thuế suất tăng lên khi giá trị BĐS cao hơn. Giải pháp này giúp làm tăng chi phí đầu cơ, từ đó giảm sự hấp dẫn của việc đầu tư vào BĐS chỉ nhằm kiếm lợi nhanh chóng.

Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhấn mạnh, cần xét duyệt hồ sơ người tham gia đấu giá kỹ lưỡng. Người tham gia đấu giá đất cần phải chứng minh được khả năng tài chính hợp pháp và mục đích sử dụng đất rõ ràng. Yêu cầu này giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ và rửa tiền. Đồng thời, người trúng đấu giá phải cam kết sử dụng đất đúng mục đích trong thời gian quy định. Nếu vi phạm, đất có thể bị thu hồi và người vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý.

 

Nhiều lô đất đấu giá vùng ven Hà Nội bị bỏ cọc

Mới đây, ngày 10/8, huyện Thanh Oai đã tổ chức phiên đấu giá 68 lô đất tại xã Thanh Cao với giá khởi điểm 8,6-12,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá thu hút 4.600 bộ hồ sơ và 1.545 người tham gia. Kết quả, 68 lô đất được bán thành công với mức trúng giá dao động 51,6-100,5 triệu đồng/m2, gấp 5-8 lần mức khởi điểm.

Tuy nhiên, Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết đã hết thời gian nộp tiền đối với 68 lô đất đấu giá tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao hôm 10/8.

Đến nay, chỉ 13 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Các lô này đều có giá trúng từ 51,6 triệu đến hơn 55 triệu đồng/m2; toàn bộ các lô đất có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2 đều bị bỏ cọc.

Theo Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai, tổng số tiền thu về từ phiên đấu giá là hơn 80 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/5 mức dự kiến tại thời điểm kết thúc phiên đấu.