Vì sao huyện Mê Linh lùi thời gian đấu giá 32 thửa đất tại Kim Hoa?
Lùi thời gian đấu giá đất
UBND huyện Mê Linh (TP Hà Nội) vừa có văn bản gửi Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam về việc thay đổi thời gian đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa.
Theo kế hoạch, buổi đấu giá dự kiến được tổ chức vào chiều ngày 12/9. Tuy nhiên, UBND huyện cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão, dự báo sẽ tiếp tục có mưa trên diện rộng, nước sông dâng cao gây ngập úng nhiều khu vực, khó khăn trong việc đi lại.
Thông báo nêu rõ: “Để tập trung công tác phòng, chống lũ, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, Trung tâm Phát triển quỹ đất đề nghị công ty thay đổi thời gian đấu giá sang 14 giờ ngày 18/9”.
Ngay sau đó, Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam có văn bản thông báo về sự thay đổi này.
Về quyền lợi của khách hàng, đối với các khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, hồ sơ của khách hàng được bảo lưu đến ngày xét duyệt điều kiện. Với các khách hàng chưa nộp khoản tiền đặt trước, thời gian nộp được tính đến 17 giờ ngày 16/9.
32 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa sắp đưa ra đấu giá có diện tích từ 73,5-187,5m2, giá khởi điểm dao động 21,7-32,8 triệu đồng/m2. Mức tiền đặt cọc thấp nhất là hơn 360 triệu đồng, cao nhất là hơn 1,2 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 6, huyện Mê Linh đã đấu giá thành công 51 lô đất tại xã Liên Mạc. Các thửa đất có diện tính từ 95 - 263,2 m2. Mức giá khởi điểm khoảng 18,4-20,6 triệu đồng/m2, giá đấu trúng cao nhất được xác định là 38,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về cho ngân sách là 169 tỷ đồng, cao hơn 47 tỷ so với giá khởi điểm.
Như vậy, huyện Mê Linh chưa có phiên đấu giá đất nào được tổ chức trong bối cảnh giá đất trúng đấu giá cao bất thường như 100 triệu đồng/m2 ở huyện Thanh Oai hay hơn 133 triệu đồng/m2 tại huyện Hoài Đức.
Trong khi quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, huyện Hoài Đức đang phải tạm dừng các phiên đấu giá đất thì huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng vừa tổ chức đấu giá thành công 2 buổi đấu giá quyền sử dụng đất. Ngày 10/9, 47 thửa đất ở huyện Phúc Thọ được đấu giá thành công với mức trúng cao nhất đạt 69,8 triệu đồng/m2, gấp gần 3 lần giá khởi điểm.
Trước đó, ngày 29/8, tại cuộc đấu giá 39 thửa đất cũng tại Phúc Thọ, lô đất trúng cao nhất là 60 triệu đồng/m2. Như vậy, phiên đấu giá hôm 10/9 ghi nhận mức giá trúng cao nhất cao hơn đỉnh cũ thiết lập trước đó hơn 10 ngày.
Bộ Xây dựng yêu cầu xử lý đầu cơ, thổi giá đất
Vừa qua, tại Hà Nội có việc một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm... Theo đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai một số nhiệm vụ nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Cùng đó là Công điện số 1767/CĐ-TTg ngày 21/12/2021 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua; các công điện, chỉ thị khác của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 5047/BXD-QLN ngày 28/8/2024 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thi hành Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15...
Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản tại địa bàn; kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Đồng thời, chú trọng thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có) theo thẩm quyền – Bộ Xây dựng đề nghị.