Hà Tĩnh: Tăng cường việc thực thi pháp luật về công tác đấu thầu
Thời gian qua, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra một số vi phạm như chuyển nhượng thầu, gian lận trong đấu thầu (hồ sơ, tài liệu về năng lực tài chính, nhân sự chủ chốt và các thông tin cung cấp trong HSDT)...Việc này dẫn đến tình trạng nhà thầu được đề nghị trúng thầu không đủ năng lực thi công hoặc quá trình thi công bị phát giác các vấn đề gian lận, dẫn đến phải dừng thực hiện dự án để xử lý tình huống, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ, mục tiêu, hiệu quả đầu tư dự án. Qua đó cho thấy, các Chủ đầu tư bên mời thầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, quản lý thực hiện hợp đồng còn để xảy ra sai sót, vi phạm.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và chấn chỉnh, tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các Chủ đầu tư/Bên mời thầu và các cơ quan đơn vị có liên quan đến hoạt động đấu thầu trên địa bản tính thực hiện nghiêm quy định của Pháp luật về đấu thầu, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản: Số 3690/UBND-KT, ngày 25/6/2018, số 4234/UBND-TH ngày 28/6/2019, số 6954/UBND-TH, ngày 19/10/2021; trong đó, chú trọng một số nội dung:
Đối với chủ đầu tư/bên mời thầu: Đánh giá kỹ về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu tham dự thầu, quá trình đánh giá cần thực hiện nghiêm túc quy định làm rõ HSDT/HSĐX dựa trên nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT/HSĐX đã nộp và giá dự thầu; xác minh, đối soát kỹ các thông tin trong HSDT/HSĐX, kịp thời phát hiện gian lận trong đấu thầu, đặc biệt là xác minh/đánh giá kỹ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài chính, như: bảo đảm dự thầu, cam kết tín dụng, bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Việc quản lý thực hiện hợp đồng cần thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đảm bảo sự chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả; có biện pháp xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện hành vi chuyển nhượng thầu; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.
Công khai thông tin trong đấu thầu theo quy định, trong đó khuyến khích đăng tải thông tin trong đấu thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng khác của Trung ương và địa phương.
Về xây dựng, phát hành HSMT/HSYC và đánh giá HSDT/HSĐX: đối với công tác xây dựng HSMT/HSYC, đảm bảo các nội dung yêu cầu trong HSMT/HSYC được lập theo đúng mẫu HSMT/HSYC tại các Thông tư do Bộ KH&ĐT ban hành. Không tự ý chỉnh sửa quy định nêu trong các mẫu HSMT/HSYC hoặc đưa ra các yêu cầu không phù hợp. Nội dung, tiêu chí trong HSMT/HSYC phải khách quan, công bằng, minh bạch nhằm thu hút sự tham gia cạnh tranh rộng rãi của các nhà thầu. Tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Đối với công tác phát hành HSMT/HSYC (đối với các gói thầu không áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng): tạo điều kiện cho các nhà thầu tiếp cận HSMT/HSYC nhanh chóng, đầy đủ, chính xác; giảm thiểu chi phí cho nhà thầu, kịp giải quyết những tiêu cực nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các nhà thầu.
Đối với công tác đánh giá HSDT/HSĐX: Yêu cầu căn cứ đúng theo quy định của Pháp luật về đấu thầu; các yêu cầu nêu trong HSMT/HSYC, nội dung HSDT/HSĐX, tài liệu làm rõ HSDT/HSĐX (nếu có), bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch. Trường hợp có những thông tin cần làm rõ, yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu, làm rõ trên nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT/HSĐX đã nộp và giá dự thầu.
Đối với các đơn vị thẩm định: Hoạt động độc lập khi tiến hành thẩm định, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng; đảm bảo chất lượng, thời hạn, nội dung phải đầy đủ theo các hướng dẫn.
Quá trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu được chủ động đề xuất áp dụng đấu thầu qua mạng đối với những gói thầu đủ điều kiện nhằm đáp ứng yêu cầu về lộ trình và tăng cường đấu thầu qua mạng của địa phương; kiểm soát chặt chẽ về quy mô gói thầu trên cơ sở nguồn vốn đã bố trí hoặc khả năng cân đối trong năm kế hoạch tiếp theo, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với người có thẩm quyền: Tự quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền; giải quyết dứt điểm các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các sở, ngành giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu mà thuộc trách nhiệm của mình như xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu.
Có chế tài xử lý nghiêm và ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, đảm bảo chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi mình phụ trách.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư: kịp thời cập nhật, nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện những vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Căn cứ mức độ vi phạm, kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Đối với các sở, ban, ngành, UBND các thuyện, thành phố, thị xã, các chủ đầu tư/bên mời thầu: kịp thời xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu theo thẩm quyền. Thực hiện nghiêm và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác đấu thầu. Trường hợp để xẩy ra những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình lựa chọn nhà thầu như: thông thầu, quây thầu, vây thầu,... căn cứ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến gian lân trong công tác đấu thầu, trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 13 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến việc "nâng khống" giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện đa khoa các huyện: Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn và Nghi Xuân.
Xem thêm: Thanh Hóa: 3 nhà thầu "so găng" ở gói thầu làm đường ven biển trị giá 3400 tỉ đồng.