Habeco chốt ngày trả cổ tức tiền mặt, bất ngờ với tên đơn vị sắp nhận hơn 200 tỷ đồng
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 12%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng.
Bắt đầu từ năm 2014, Habeco luôn đều đặn chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, đỉnh điểm mức cổ tức năm 2017 lên đến 75,57%. Gần nhất, Công ty chi mức 23,8% cho năm 2020.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của BHN tổ chức ngày 28/6, cổ đông Công ty đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 12% (1.200 đồng/cp), mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Trước đó, năm 2022, BHN lên kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền (1.500 đồng/cp). Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết do Bộ Công Thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Habeco đang xem xét về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 của công ty. Do đó, BHN sẽ lấy ý kiến của cổ đông về nội dung này sau khi Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính có ý kiến.
Về tình hình kinh doanh, quý III/2023, Habeco đạt gần 2.260 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 107 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 7% và 55% so với cùng kỳ. Kết quả kém khả quan đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sa sút với biên lãi gộp giảm từ mức 29% cùng kỳ còn 26%, cùng với đó là gánh nặng chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Điểm sáng là nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay giúp doanh thu hoạt động tài chính tăng 75%, lên 59 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm nay, Habeco ghi nhận 5.511 tỷ đồng doanh thu thuần và 291 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 7%, 39% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 3 quý, công ty vượt 31% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 7.367 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế dự kiến đạt hơn 222 tỷ đồng, giảm 47%.Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Habeco cho biết cơ sở đặt mục tiêu kinh doanh thấp do công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn chặt chẽ khiến sức mua của người tiêu dùng suy giảm. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh giữa các hãng bia trên thị trường ngày càng gay gắt.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9/2023, doanh nghiệp có tổng tài sản 7.560 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Sự gia tăng tới từ tiền gửi có kỳ hạn với 3.545 tỷ đồng, tăng 17%; các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 628 tỷ đồng, tăng 45%. Hàng tồn kho giảm nhẹ còn 722 tỷ đồng.
Nợ phải trả đạt hơn 2.017 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, do thuế và các khoản phải nộp Nhà nước gần 550 tỷ đồng, tăng 26%; chi phí phải trả ngắn hạn gần 390 tỷ đồng, tăng 136%; phải trả ngắn hạn khác hơn 301 tỷ đồng, tăng 22%. Tổng nợ vay đạt hơn 143 tỷ đồng, giảm 31%, trong đó nợ vay dài hạn chiếm 81%.