Ông Trần Đình Thanh tiếp tục làm Chủ tịch HABECO
Cụ thể, ngày 28/6, HĐQTHabeco ban hành nghị quyết bầu ông Trần Đình Thanh - phụ trách Bộ phận đại diện phần vốn Nhà nước, Thành viên HĐQT - giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028, tính từ ngày 28/6.
Theo tìm hiểu, ông Thanh đã gắn bó với Habeco từ tháng 10/2005 với vị trí phụ trách phòng nghiên cứu ứng dụng sản phẩm mới. Từ đó đến nay, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ nhưTrưởng phòng, Phòng quản lý chất lượng, thành viênHĐQT, Phó Tổng Giám đốc. Từ năm 2018, ông Trần Đình Thanh chính thức giữ chức vụ Chủ tịch HĐQTHabeco nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Như vậy, ông Thanh sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Habeco nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng bổ nhiệm lại có thời hạn ông Ngô Quế Lâm - Đại diện phần vốn Nhà nước, Thành viên HĐQT - giữ chức Tổng Giám đốcHabeco từ ngày 28/6.
Cùng ngày, Habeco bầu bà Chử Thị Thu Trang làm Trưởng ban kiểm soát (BKS).
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023 trước đó, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 gồm ông Trần Đình Thanh, ông Ngô Quế Lâm, ông Bùi Hữu Quang và ông Trần Danh Đáng (Thành viên HĐQT độc lập). BKS nhiệm kỳ 2023-2028 gồm bà Chử Thị Thu Trang và ông Trần Đức Giang.
Tính tới hết quý I, Habeco có 2 cổ đông lớn là Bộ Công Thương (sở hữu hơn 189 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 81,79%) và Carlsberg Breweries A/S (sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 17,34%).
Theo tài liệu đã được ĐHĐCĐ 2023 thông qua, trong năm 2022, Habeco đã trả tiền lương, thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát "ít hơn" gần 154 triệu so với kế hoạch. Cụ thể, tiền lương thực tế thanh viên HĐQT, BKS chuyên trách nhận về hơn 2,9 tỷ, thù lao thành viên HĐQT, BKS kiêm nhiệm 1,5 tỷ. Tổng số thực hiện là 4,4 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 4,57 tỷ đồng.
Năm 2023, Habeco lên kế hoạch tiền lương, thù lao, tiền thưởng của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2023 gần 3,8 tỷ đồng, trong đó bộ phân chuyên trách 2,4 tỷ và bộ phận kiêm nhiệm 1,36 tỷ.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính hơn 7.367 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế gần 274 tỷ đồng, giảm 47%. Dự kiến tỷ lệ cổ tức 2023 là 8%. Đây được đánh giá là kế hoạch khá thách thức trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều khó khăn.
Kết thúc quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 1.173 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí thuế TNDN và khoản thuế TNDN hoãn lại, Habeco báo lỗ sau thuế gần 3,73 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 34,5 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco báo lỗ sau 12 quý liên tiếp kể từ quý II/2020.
Trong văn bản giải trình, Habeco cho biết lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do sự sụt giảm về doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Đồng thời, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm. Với kết quả này, Habeco đã đi được 11% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.