Người dân giảm uống, lợi nhuận Bia Hà Nội giảm cả trăm tỷ

Trang Mai 14:27 | 30/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) ghi nhận doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ do sức tiêu thụ kém và sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có khoản lãi trăm tỷ từ tiền gửi nên vẫn hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.

Lợi nhuận sụt giảm hơn 150 tỷ so với năm 2022

Theo đó, doanh thu thuần quý IV/2023 của Habeco đạt 2.246 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Lãi gộp giảm 13% xuống còn 542 tỷ đồng, kéo theo biên lãi gộp thu hẹp từ 25% về 24%.

Điểm tích cực là doanh thu tài chính tăng lên 69 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chỉ mất 1 tỷ đồng. Các loại chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đều được tiết giảm. Nhờ vậy, Habeco lãi sau thuế 64 đồng, tăng 24% so với cùng kỳ nhưng giảm khá sâu so với 2 quý trước đó.

Lũy kế cả năm 2023, chủ hãng Bia Hà Nội đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lãi ròng 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 30% so với năm 2022. Tuy nhiên đơn vị này đã vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và vượt xa 60% kế hoạch lợi nhuận năm.

 

Theo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo Habeco cho biết lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do doanh thu bán hàng sụt giảm.

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu dùng giảm và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn những tháng cuối năm 2023 là những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.

Trong báo cáo tài chính, khoản chiết khấu thương mại đã tăng lên 143 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Thông thường, đây là khoản giảm giá hàng niêm yết mà doanh nghiệp ưu tiên cho khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ với số lượng/khối lượng lớn, nhằm khuyến khích người mua mua nhiều hàng hóa hơn. Điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trong ngành hàng rượu, bia. 

Năm qua, khoản chi cho nhân viên của Công ty cũng tăng lên 158 tỷ đồng (tăng 14%). Bù lại, Habeco tiết giảm được 17% chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, còn 579 tỷ đồng.

Khó khăn ngành bia rượu phải đối mặt trong năm 2023 là điều đã được báo trước. Hàng loạt doanh nghiệp ngành này vừa công bố báo cáo tài chính đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Chẳng hạn, Bia Hà Nội - Hải Dương mới đây cũng cho biết lãi sau thuế cả năm 2023 chỉ đạt gần 6 tỷ đồng, giảm tới 43% so với năm liền trước. Bia Sài Gòn - Hà Nội cả năm 2023 đạt doanh thu gần 610 tỷ đồng, giảm 3% so với 2022, lãi ròng giảm tới 25%, chỉ đạt gần 45 tỷ đồng.

Gần nửa tài sản đem đi gửi ngân hàng

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Habeco đạt 7.140 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ghi nhận 3.889 tỷ đồng, tăng 10% và chiếm 54% tổng tài sản. Khoản tiền này đã mang về cho Công ty 228 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023.

Giá trị hàng tồn kho ở mức 729 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm; nguyên liệu, vật liệu chiếm 42% tỷ trọng, đạt 303 tỷ đồng.  

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Habeco đạt 1.826 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Nợ vay tài chính ngắn hạn đạt 110 tỷ đồng, tăng 15% và công ty ghi mới khoản nợ vay dài hạn 8 tỷ đồng.

Ngành bia chưa qua thời gian khó

Báo cáo hồi tháng 12/2023 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn số liệu ước tính của AC Nielsen cho biết, tiêu thụ bia trong nước đánh dấu sự sụt giảm khoảng 9% trong 9 tháng đầu năm 2023. Kết quả này cho thấy, tình hình khó khăn của nền kinh tế, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng đã tác động tiêu cực đến sức cầu với các mặt hàng tiêu dùng, trong đó, các mặt hàng bia, rượu thuộc nhóm tiêu dùng không thiết yếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyết liệt Nghị định 100/2019/NĐ-CP về nồng độ cồn cũng làm thay đổi đáng kể thói quen của người tiêu dùng khi sử dụng bia, rượu.

Sức cầu yếu cũng khiến áp lực cạnh tranh trong ngành gay gắt hơn. Các nhãn hàng lớn, nhất là thương hiệu bia của các tập đoàn đa quốc gia, vốn được hậu thuẫn lớn về kinh nghiệm và nguồn lực tài chính đã liên tục tung ra các chương trình giảm giá bán, khuyến mãi để phát triển thương hiệu, phát triển thị trường và giải phóng tồn kho, buộc các doanh nghiệp trong nước không thể đứng ngoài xu hướng.

"Với tình hình nền kinh tế hiện nay, sức cầu tiêu thụ ảm đạm với các sản phẩm bia, rượu được dự báo vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong quý IV/2023 và tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2024 - vốn là mùa cao điểm kinh doanh thường niên của các doanh nghiệp trong ngành", BVSC nhận định.