Bia Hà Nội (Habeco) lãi ròng 236 tỷ đồng trong quý III, hơn 1/3 tài sản là tiền gửi

Trang Mai 16:27 | 27/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính quý III vừa công bố mới đây, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi vượt kế hoạch năm chỉ sau 9 tháng.

9 tháng, Habeco thu lãi ròng vượt mục tiêu cả năm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Habeco ghi nhận 2.440 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 44% so với cùng kỳ. Trừ 1.731 tỷ đồng giá vốn, công ty thu về 709,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lãi gộp trong kỳ đạt 29%, tăng nhẹ so với 26% quý III/2021.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 16%, lên hơn 33.5 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi và cho vay hơn 33 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 33%, còn gần 2,4 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay hơn 2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng lần lượt 76% và 10,7% lên 353 tỷ đồng và 123 tỷ đồng.  

Kết quả trong quý III, Habeco đạt 272 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 74% và lãi ròng 235,8 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ 2021. 

Luỹ kế 9 tháng, công ty đạt 5.929 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18,4% và lãi ròng 475 tỷ đồng, tăng 29% so với 9 tháng 2021. 

 

Theo giải trình từ công ty, kết quả kinh doanh được cải thiện và tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước do cả nước đã mở cửa trở lại tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội - du lịch trong nước và đón du khách nước ngoài, nhu cầu tiêu dùng cũng dần phục hồi. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco không còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid 19. 

Ngoài ra, Habeco đã và đang thực hiện đồng thời các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động và tăng cường cho công tác bán hàng thông qua các chương trình khuyến mại cho người tiêu dùng; các chính sách bán hàng hấp dẫn cho nhà phân phối, đại lý.

Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu đạt 6.605 tỷ đồng doanh thu và 221 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 13% và 32% so với thực hiện năm 2021. Sau 9 tháng, Habeco thực hiện được 90% mục tiêu doanh thu và vượt 115% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 2.679 tỷ đồng, bằng 37% tổng tài sản

Tại 30/9/2022, Habeco có tổng tài sản hơn 7.200 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó; tiền và các khoản tương đương tiền chiếm hơn 890 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm; bao gồm gần 600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 263 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn gốc đến 3 tháng.

Đáng chú ý, Khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (cả ngắn hạn và dài hạn) lên tới 2.679 tỷ đồng; tăng từ mức 2.443 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó; 2.629 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng; 50 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 12 tháng.

Như vậy, nếu tính tổng cộng tiền gửi các kỳ hạn của Habeco, con số này lên tới gần 3.000 tỷ.

  Khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tính đến 30/9/2022 của BHN (Nguồn: BCTC)

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 25% lên 471 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng với gần 335 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn khác gần 112 tỷ đồng. Công ty trích 23,7 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. 

 Các Công ty nằm trong danh sách nợ xấu của Habeco tại ngày 30/9. (Ảnh: BCTC hợp nhất quý III của Habeco)

Hiện doanh nghiệp còn 543 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm nhẹ 10 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó, nguyên vật liệu chiếm 41% tổng giá trị hàng tồn kho, đạt gần 228 tỷ đồng; công cụ, dụng cụ gần 123 tỷ đồng (chiếm 22%). Song song đó, công ty dự phòng giảm giá hơn 16 tỷ đồng. Ngoài ra, Habeco có 1.907 tỷ đồng tài sản cố định, đầu tư bất động sản 4,4 tỷ đồng (nguyên giá gần 12 tỷ đồng); tài sản dở dang dài hạn 18 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí phần mềm ERP, xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Phú Thọ cùng một vài xây dựng cơ bản dở dang khác. 

Habeco có 313 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu vào công ty liên doanh, liên kết với 221,9 tỷ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 50 tỷ đồng. 

Nợ phải trả đến cuối kỳ ghi nhận 1.895 tỷ đồng, giảm 16%, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 1.781 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm xuống còn 113,6 tỷ đồng. 

   Các khoản nợ ngắn hạn của Habeco tính đến hết quý III. (Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC của Habeco)  

Đáng chú ý, Công ty không còn ghi nợ vay thuê tài chính dài hạn 48,5 tỷ đồng, đây là khoản vay từ ngân hàng VIB. Tuy nhiên, tại khoản mục nợ vay ngắn hạn, đến cuối tháng 9, Habeco vẫn còn ghi nhận khoản nợ 17 tỷ đồng từ cùng ngân hàng này.

Vốn chủ sở hữu của Habeco đạt gần 5.304 tỷ đồng, tăng 10%, bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 760 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần đầu năm.

 

Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Habeco ghi nhận 1.059,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ quý trước do sự tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận. 

Dòng tiền đầu tư âm 203 tỷ đồng do công ty cho vay, mua lại công cụ nợ của đơn vị khác, đồng thời giảm tiền thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác. Dòng tiền tài chính âm 689 tỷ đồng, trong đó tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được 309,8 tỷ đồng và doanh nghiệp trích 556 tỷ đồng trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu. Trong kỳ, tiền thuần ghi nhận 167 tỷ đồng, đưa tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng lên hơn 890 tỷ đồng. 

Habeco là công ty sản xuất hàng loạt sản phẩm bia “quốc dân” như: Bia Trúc Bạch, Bia Hà Nội, nước uống UniAqua và có thị phần tập trung chủ yếu ở miền Bắc. Cùng với Sabeco, Heineken, Carlsberg, các doanh nghiệp này chiếm tới 94,4% thị trường tiêu thụ bia trong nước. 

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI đánh giá, ngành thực phẩm đồ uống được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn khi nhu cầu tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022. Cùng với đó là giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hướng điều chỉnh giảm trong các quý tới giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thực phẩm đồ uống có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.

Về phía Habeco, doanh nghiệp mặc dù được hưởng lợi từ triển vọng ngành như trên nhưng việc đẩy mạnh doanh số bán hàng còn phụ thuộc nhiều vào khả năng gia tăng thị phần. Habeco cũng phải chịu sức ép cạnh tranh từ các hãng bia lớn, cùng sự gia nhập của các tay chơi mới. Điển hình như Tập đoàn Masan đang thể hiện tham vọng xây dựng ngành bia trong hệ sinh thái bán lẻ, với việc dành một phân khu riêng cho nhà máy sản xuất bia đóng lon, đóng chai, bia hơi các loại với công suất lên đến 100 triệu lít/năm trong dự án Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2. Dự án này mới được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận chủ trương đầu tư.