Hai bí quyết thành công của người sáng lập ứng dụng Elsa nổi tiếng toàn cầu

14:12 | 09/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Văn Đinh Hồng Vũ là đồng sáng lập và CEO của Elsa, ứng dụng học phát âm tiếng Anh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói. Ứng dụng này được xếp top 5 ứng dụng AI do trang Research Sniper đề cử.

Văn Đinh Hồng Vũ (SN 1983) từng là người châu Á đầu tiên làm trợ lý Tổng Giám đốc của Maersk - tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89 nghìn nhân viên; Trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company- 1 trong 4 tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ. Thế nhưng, cô đã vượt ra khỏi "vùng an toàn", là vị trí triệu người mơ để rẽ lối đi tìm đam mê, rồi khởi nghiệp để bây giờ được mọi người biết đến là CEO của ứng dụng Elsa nổi tiếng toàn cầu. 

Dám bước ra khỏi "vùng an toàn" 

Thông tin trên báo Tiền Phong, xây dựng thành tích học tập "khủng" khi là nữ sinh ĐH Ngoại thương TP HCM, Văn Đinh Hồng Vũ sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ và liên tục tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc (Úc), Diễn đàn sinh viên kinh tế thế giới (Đức)...

Niềm tin giáo dục thay đổi tương lai và thực hiện cải tiến giáo dục trở thành niềm đam mê cho Vũ xây dựng thương hiệu hiện nay. Để "vẽ" hành trình đam mê đích thực, Vũ mất nhiều thời gian và dũng cảm từ bỏ sự nghiệp đầy "hoa hồng” tại các tập đoàn nổi danh trên thế giới, rẽ sang lối gập ghềnh chông gai.

Sau 3 năm làm việc ở Đan Mạch, cô rời Maersk - tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89 nghìn nhân viên, dù đảm trách vị trí trợ lý Tổng giám đốc và có cơ hội ở những vị trí quan trọng khác. "Lúc đó, tôi không biết niềm đam mê của mình là gì, nhưng tôi biết nếu tiếp tục ở lại Maersk sẽ quá thoải mái với bản thân và sẽ từ bỏ việc kiếm tìm đam mê thực sự trong cuộc sống", Vũ nói. 

Hai bí quyết thành công của người sáng lập ứng dụng Elsa nổi tiếng toàn cầu - ảnh 1

Văn Đinh Hồng Vũ - CEO của ứng dụng Elsa.

Vũ chuyển đến Mỹ, tham gia chương trình MBA 2 năm tại Đại học Stanford và theo học cao học ngành quản trị kinh doanh. Cô vẫn luôn tự hỏi "điều gì thực sự quan trọng với bản thân", "thế nào tìm thấy sự can đảo theo đuổi đam mê"?...

"Tôi nhận thấy chính cơ hội thụ hưởng nền giáo dục đẳng cấp tại Stanford đã thay đổi cuộc sống của bản thân và ước mơ đưa một phần hệ thống giáo dục tiên tiến trở về quê hương được đánh thức", Vũ bộc bạch.

Cô quyết tâm lấy bằng Thạc sĩ Giáo dục tại Trường Giáo dục Stanford để tiếp cận các tư tưởng giáo dục, triết lý giáo dục và có thể học hỏi các nhà giáo dục và giáo sư trong ngành. Và chính đam mê cải tiến giáo dục đã thôi thúc Vũ rời vị trí trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company - 1 trong 4 tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ để khởi nghiệp với ứng dụng học nói tiếng Anh chuẩn bản xứ với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) Elsa.

Vũ kể: ý tưởng này ấp ủ trong thời gian dài từ thực tế phát âm tiếng Anh không tốt của cô và nhiều du học sinh khác tại Mỹ. Cô đã may mắn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người bạn Mỹ chỉnh sửa một cách tỉ mỉ về phát âm liên tục trong 6 tháng. "Nhờ vậy, tôi nói tốt lên và dần trở tự nhiên khi giao tiếp tiếng Anh như khi giao tiếp tiếng Việt. Tôi mong muốn mọi người đều có người bạn nhiệt tình như tôi đã có. Sử dụng công nghệ để đưa ra những hỗ trợ tương tự như chuyên gia là điều phù hợp", cô nói. 

Thời gian đầu, Vũ sử dụng thành quả công nghệ đã có bằng cách sử dụng API của Google để phát triển Elsa. Công nghệ nhận diện giọng nói của Google lại chấp nhận độ sai số rất lớn, nghĩa là người nói sai thì công nghệ vẫn hiểu và thực hiện mệnh lệnh, rất thuận lợi cho cuộc sống, nhưng trở ngại cho việc học ngôn ngữ.

Vũ cho biết, điều đặc biệt nhất nhất của Elsa là khả năng nhận diện các từ mà bạn nói "không giống" với tiếng Anh bản xứ. Đồng thời, đội ngũ Elsa phải xây dựng lại thuật toán mới hoàn toàn, thu thập rất nhiều dữ liệu để tạo ra khả năng độc quyền là nhận diện lỗi sai và hướng dẫn sửa từng âm tiết của Elsa hiện nay.

Bí quyết chiêu mộ và giữ chân nhân tài

Khởi nghiệp ở Silicon, ở đó có rất nhiều công ty giỏi ra đời và Vũ phải cạnh tranh với rất nhiều thiên tài. Để nhà đầu tư chọn mình, cô phải cạnh tranh với cả trăm công ty, cái nào cũng tài và xuất chúng. Và điều giúp cô có thực hiện được điều đó là đã tìm ra cách để chiêu dụ được nhân tài trong lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt về nhân sự này. 

Hai bí quyết thành công của người sáng lập ứng dụng Elsa nổi tiếng toàn cầu - ảnh 2

Văn Đinh Hồng Vũ và các thành viên cộng sự ở Elsa. Ảnh: Báo Tiền Phong.

"Tôi không thể thu hút con người bằng việc trả lương cao như các công ty lớn khác. Google có thể trả lương cao gấp 10 lần chúng tôi. Vì vậy tôi chỉ có thể nói về tầm ảnh hưởng để mời các nhân sự giỏi làm việc cùng mình. Bởi một người giỏi làm ở Google chỉ là con chốt nhỏ trên bàn cờ lớn nhưng khi làm startup ở giai đoạn ban đầu thì vai trò của người đó rất lớn. Một đóng góp nhỏ cũng có thể thay đổi diện mạo của cả một công ty. Sẽ có những con người đi tìm tầm ảnh hưởng như vậy.

Bên cạnh đó, người giỏi họ sẽ theo người giỏi. Như CTO của tôi, về làm Elsa là bởi anh ta nghe tôi mời được huyền thoại của ngành nhận diện giọng nói làm cố vấn. Sau khi bạn đó tham gia đội ngũ của tôi, bạn ấy kéo thêm được những bạn trẻ hơn muốn làm việc", Văn Đinh Hồng Vũ nói.

Sau khi đã chiêu mộ được những người giỏi thì việc giữ chân họ cũng cần có chiến lược. Thông thường, những người giỏi họ muốn tham gia một dự án có tầm nhìn, có đóng góp cho cộng đồng. Muốn vậy thì người sáng lập và thể hiện được sự cam kết lâu dài với đứa con tinh thần của mình. 

Chính vì vậy, khi nhận được câu hỏi đã từng nghĩ đến việc sẽ bán Elsa hay chưa, Vũ luôn thể hiện sự nhất quán với tầm nhìn của công ty. Theo Vũ, tới khi Elsa phát triển mạnh mẽ và cô không còn là chủ sở hữu hoàn toàn, cô sẽ phải đưa ra quyết định có lợi cho mọi người chứ không phải cho bản thân mình. "Tuy vậy, tôi vẫn đang là người có phần quyết định lớn trong công ty nên tôi sẽ không bán", Vũ khẳng định.

Theo nữ CEO này, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phải tập trung vấn đề chứ đừng tập trung việc mình có giải pháp. Vì tập trung vào giải pháp sẽ quên mất nhu cầu có đủ lớn hay không. Mỗi người làm startup sẽ có mục tiêu riêng. Nhiều người làm ra để hy vọng người khác mua lại nhưng tỷ lệ rất thấp. Việc bạn làm ra một sản phẩm khiến người khác phải mua lại là rất khó.

Lệ Vỹ