Hàng loạt ngân hàng lớn của Mỹ chịu mức phạt gần 200 tỷ USD trong 20 năm
Các ngân hàng Mỹ vướng phải nhiều vụ bê bối pháp lý hơn kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra. Đứng đầu danh sách nộp phạt là Bank of America, JPMorgan Chase, Citigroup...
Hãng tin Financial Times trích dẫn số liệu của tổ chức Better Markets cho thấy 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã phải nộp phạt xấp xỉ 200 tỷ USD trên toàn cầu trong 20 năm trở lại đây.
Logo 3 ngân hàng lớn của Mỹ
Tổ chức phi lợi nhuận Better Markets có trụ sở tại Washington, được thành lập hậu khủng hoảng tài chính 2008 với mục đích giám sát các ngân hàng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Báo cáo của Better Markets đề cập tới 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ: Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Wells Fargo. Tính từ năm 2000, những ngân hàng này đã phải trả 195 tỷ USD tiền phạt cho các cơ quan chính phủ, các nhà đầu tư và khách hàng chịu tổn hại trong quá trình vận hành của ngân hàng.
Theo giám đốc điều hành của Better Markets, báo cáo cũng cho thấy sự tha hóa trong hành vi của các ngân hàng vì kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng ngày càng vướng phải nhiều vấn đề pháp lý hơn.
Better Markets chỉ ra rằng, từ năm 2000 đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các ngân hàng đã hứng chịu 85 vụ khiếu nại pháp lý. Trong giai đoạn 2008-2012, đã có 110 khiếu nại được ghi nhận, bao gồm những dàn xếp pháp lý liên quan đến vụ gian lận trái phiếu thế chấp (mis-selling mortgage bonds). Sau năm 2012, thêm 204 khiếu nại đã được kết luận.
"Đây hoàn toàn là những vấn đề pháp lý trọng yếu chứ không hề nhỏ nhặt như những lỗi sai thông thường", ông Kelleher cho biết. Ông cũng bày tỏ sự nghi ngờ rằng chính sự kiểm soát chặt chẽ và những quy tắc nghiêm ngặt hơn sau khủng hoảng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các vấn đề pháp lý này.
"Nếu phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe hơn, chắc chắn các ngân hàng sẽ sập tiệm vì tỷ lệ tái phạm là rất cao".
Đồng thời, ông Kelleher cho biết, một số sự việc phát sinh trong năm 2020 cho thấy các ngân hàng đang lặp lại các sai lầm trong quá khứ. Một trong những sự việc nổi bật chính là khoản phạt 920 triệu USD và thỏa thuận hoãn truy tố dành cho hành vi thao túng thị trường kim loại và trái phiếu kho bạc của JPMorgan Chase vào hồi tháng 10.
Vào năm 2014, JPMorgan Chase cũng vướng phải một thỏa thuận hoãn truy tố sau khi thừa nhận những thiếu sót trong quy trình chống rửa tiền có liên quan tới vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi của Bernard Madoff. Vào năm 2015, ngân hàng này đã thừa nhận tội dan thao túng thị trường ngoại hối.
Ông Kelleher nói: "Việc JPMorgan thừa nhận tới ba tội danh liên quan tới hành vi phạm pháp nghiêm trọng trong nhiều năm là một cú sốc lớn".
Gần đây việc thừa nhận tội danh đã phổ biến hơn nhưng trong phần lớn các trường hợp, các ngân hàng vẫn phủ nhận hành vi sai trái bị các công tố viên và cơ quan quản lý cáo buộc.
JPMorgan đã từng nói rằng nhiều vụ dàn xếp pháp lý bắt nguồn từ các ngân hàng mà JPMorgan mua lại theo yêu cầu của giới chức Mỹ.
Nhà băng này đã phải chịu khoản phạt cao thứ 2 trong vòng hơn 20 năm qua với tổng mức 40 tỷ USD cho 83 vụ việc. Khoảng 10 tỷ USD trong số trên liên quan đến các hoạt động trong thời kỳ khủng hoảng của Bear Stearns và Washington Mutual, hai ngân hàng đã được JPMorgan mua vào năm 2008.
Bank of America đã phải trả mức phạt cao nhất trong nhóm các ngân hàng kể trên, 91 tỷ USD cho 86 vụ việc. Phần lớn các vụ việc là về "các vấn đề liên quan tới khoản vay thế chấp trước khi Bank of America mua lại các công ty hơn 10 năm trước".
Countrywide - một công ty cho vay thế chấp mà Bank of America đã mua vào năm 2008 có liên quan tới các án phạt tổng trị giá 40 tỷ USD. Ngân hàng này cũng phải trả hàng tỷ USD để giải quyết các vụ việc liên quan tới Merrill Lynch - một ngân hàng đầu tư mà Bank of America mua lại trong cuộc khủng hoảng.
Ông Kelleher cũng nhấn mạnh những vụ dàn xếp tỷ USD của Goldman Sachs trong vụ bòn rút Quỹ phát triển 1MDB của Malaysia như một bằng chứng về hành vi phi pháp kéo dài của các ngân hàng. Vụ dàn xếp đi đến hồi kết vào năm 2020, nhưng theo các hồ sơ của Bộ Tư pháp Mỹ, vụ việc này liên quan đến các hành vi kéo dài từ năm 2009 đến 2014.
Goldman Sachs đã tuyên bố "những cải tiến đáng kể" đối với quy trình và kiểm soát nội bộ của ngân hàng khi đề cập đến khoản tiền phạt 1MDB được đưa ra vào tháng 10.
Diễn đàn Dịch vụ Tài chính, một nhóm đại diện cho 8 ngân hàng lớn nhất của Mỹ, cho biết các thành viên diễn đàn "đã giám sát chặt chẽ và áp dụng những cải tiến đáng kể đối với biện pháp bảo vệ của các ngân hàng trong suốt thập kỷ qua".
Dữ liệu từ Capital IQ cho thấy tổng thu nhập ròng của sáu ngân hàng kể trên đạt khoảng 1.300 tỷ USD trong 20 năm qua.
Theo Kinh tế và tiêu dùng