Hàng trăm dự án BĐS bế tắc, TP HCM 'xin' áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất

Đông Bắc 15:47 | 01/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn thành phố.

  

Theo Văn phòng UBND TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên thị trường. Đây không phải là lần đầu tiên UBND TP HCM kiến nghị dùng hệ số K để tính tiền sử dụng đất cho hàng trăm dự án bất động sản đang bế tắc hiện nay.

Theo UBND TP HCM, hiện nay trong quá trình xác định, thẩm định, quyết định giá đất để thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và tính bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở ngành thực hiện đúng luật Đất đai 2013, Nghị định số 44 và các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên khi áp dụng trong tình hình thực tiễn thì có một số bất cập, đặc biệt là việc thu thập thông tin và kiểm tra thông tin về giá giao dịch thật của bất động sản trên thị trường rất khó khăn, do việc giao dịch bất động sản theo luật Thẩm định tại TP.HCM chưa minh bạch như các nước phát triển.

Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định phải lập kế hoạch định giá đất cụ thể để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, trên cơ sở đó tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức đấu thầu. Nhưng lập kế hoạch không thể thực hiện được vì việc xây dựng kế hoạch mang tính dự báo vừa khoa học vừa bám sát thực tiễn vô cùng nan giải.

 Đồng thời, việc tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức đấu thầu gặp nhiều khó khăn, bất cập, chồng chéo của pháp luật dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Trong khi đó, việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn nhiều vướng mắc và hạn chế. Hiện nay, Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ban hành các phương pháp thẩm định giá.

 

 TP HCM kiến nghị áp dụng hệ số K cho tất cả các dự án. Ảnh BĐS.

Chính vì vậy, UBND TP HCM nhận thấy việc áp dụng hệ số K trong xác định giá đất làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, thuê đất có nhiều ưu điểm nổi bật. Đầu tiên là cải cách thủ tục hành chính trong xác định giá đất cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện. Đảm bảo việc xác định giá đất cụ thể được công bằng giữa các chủ đầu tư trong sử dụng đất. Khuyến khích các đơn vị phát huy hiệu quả trong sử dụng đất với các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Hệ số K hay còn gọi là Hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số K là hệ số dùng để tính giá đất theo khung giá của nhà nước quy định. Hệ số K đất đai do ủy ban nhân dân các tỉnh quy định và sẽ có thay cho đổi theo từng năm, không cố định nhằm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thực tại tại địa phương. Hệ số K do Sở trung tâm tài chính trình UBND cấp tỉnh.

UBND cấp tỉnh sẽ điều chỉnh hệ số giá đất cao hoặc thấp hơn mức quy định chung nếu đất ở vị trí có hệ số K không giống với quy định chung trong khu vực và được quy định trong quyết định điều chỉnh hệ số K trong giá đất năm đó tại địa phương. Trong trường hợp vẫn chưa thể xác định được hệ số K thì UBND tỉnh dùng hệ số điều chỉnh trước đó.

Tạo sự chủ động cho các nhà đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo quyền chủ động cho các doanh nghiệp nhưng đồng thời có cơ chế điều tiết nguồn lực đất đai trên cơ sở điều kiện sinh lợi từ sử dụng đất.

Kết quả thẩm định giá đất cụ thể thời gian vừa qua cho thấy, căn cứ các phương pháp xác định giá đất theo hướng dẫn của Nghị định 44, Thông tư 36, giá đất cụ thể của các dự án phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố của công trình trên đất như: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tỷ lệ giữa diện tích sàn sử dụng/sàn xây dựng, mục đích sử dụng đất… Vì vậy, khi các yếu tố này thay đổi thì mức giá đất cụ thể khác nhau.

Do đó, nếu hệ số K được xây dựng trên cơ sở tổng hợp tác động của các yếu tố quy hoạch xây dựng ảnh hưởng đến giá đất cụ thể làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, thuê đất của các trường hợp sẽ đồng thời phát huy các ưu điểm của phương pháp hệ số K vừa đảm bảo phương pháp định giá khoa học và phản ánh giá trị quyền sử dụng đất đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất cụ thể của dự án. Đồng thời thống nhất phương pháp xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp có giá trị thửa đất dưới 30 tỷ đồng và trên 30 tỷ đồng.

Từ những khó khăn, vướng mắc và nhận định trên, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP HCM xây dựng và ban hành hệ số K tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, không phân biệt trên hay dưới 30 tỷ đồng thay vì phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định hiện nay. Điều này cũng phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn TP HCM.

TP HCM tập trung gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư

Tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 17/2, Phó Chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, TP đặt mục tiêu trong 5 năm 2021-2025  phấn đấu đạt 50 triệu m2 sàn; qua quá trình thực hiện của năm 2021-2022 đã đạt khoảng 28%.

Trong 2 năm 2021-2022 có 47 dự án với hơn 28.000 căn hộ được đưa ra thị trường.

"Các sản phẩm, các thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Chúng tôi sẽ điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phân khúc trung cấp", ông Cường nói.

Về phương hướng sắp tới, TP HCM sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với dư án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ, đặc biệt hiện nay thành phố đang tập trung 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023.

Thành phố cũng tập trung hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là trong quá trình thực hiện quy hoạch chung của TP HCM (dự kiến trong tháng 9 năm nay sẽ trình), quy hoạch chung TP Thủ Đức cuối năm nay sẽ trình.

TP HCM cũng tập trung phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật để kết nối vành đai 2, vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài...các dự án cải tạo vành đai trung tâm, tập trung thúc đẩy các dự án lớn.

Quá trình thực hiện, đối với nhóm sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân.

Thành phố sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản. Hiện nay khoảng 116 dự án, trong đó có 3 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quy định đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng, các dự án vi phạm về bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng.

Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh bất động sản sàn giao dịch.