Hé lộ nguyên nhân giá chung cư tiếp tục leo thang giữa mùa dịch
Giá chung cư tại Hà Nội và TP.HCM tăng 8-9%
Thông tin từ batdongsan.com.vn cho biết, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khiến thị trường bất động sản Việt Nam trong tháng 8/2021 tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng.
Trong đó, 2 yếu tố là lượng tin đăng và mức độ quan tâm bất động sản đều có sự sụt giảm mạnh so với tháng 7. Riêng một số thị trường tỉnh khu vực phía Bắc có chỉ số đi lên nhờ những hiệu ứng tích cực từ hạ tầng.
Cụ thể: Lượng tin đăng toàn trang trong tháng 8/2021 giảm 58%, lượt quan tâm giảm 27% so với tháng trước. Mức giảm mạnh nhất tại các tỉnh, thành phố có có ca nhiễm tăng cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội.
Tại Hà Nội và TP.HCM, mức độ quan tâm bất động sản giảm lần lượt 36% và 17% so với tháng trước. Mức giảm ghi nhận ở hầu hết các loại hình bất động sản chính như chung cư, nhà riêng và nhà mặt phố.
Tuy vậy, thị trường vẫn ghi nhận số "điểm sáng" tại một số tỉnh khu vực miền Bắc như: Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh với mức độ quan tâm tăng lần lượt 26%, 8% và 7%.

Cũng theo đơn vị này, giá chung cư tại Hà Nội và TP.HCM vẫn duy trì ổn định trong tháng 8, với mức tăng giá từ 8-9% so với cùng kỳ năm trước nhờ các chủ đầu tư triển khai hiệu quả các kênh bán online, đặt cọc, livestream, quảng bá hình ảnh trực tuyến... trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Tuy giá căn hộ chung cư trên các sàn trực tuyến TP.HCM tiếp đà tăng, lượng tin đăng chào bán căn hộ chung cư đã giảm 54%. Ở phân khúc tài sản cho thuê, lượng tin đăng cho thuê căn hộ chung cư và nhà phố mặt tiền cũng lần lượt điều chỉnh 57-66%. Mức độ quan tâm các loại hình bất động sản cho thuê đều ghi nhận ở mức kém, giảm lần lượt 42-52% đối với nhà riêng cho thuê và nhà mặt phố. Nguồn cung và cả nguồn cầu suy yếu được cho là thị trường chịu tác động tiêu cực của đợt dịch bùng phát lần thứ tư.
Dữ liệu của batdongsan.com.vn cũng cho thấy, nguồn cung và lực cầu trên thị trường online kém kỷ lục tại các tỉnh, thành phố có ca nhiễm tăng cao như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội. Toàn cảnh thị trường địa ốc online trong tháng 8 ghi nhận lượng tin đăng rớt tới 78% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 58% so với tháng 7. Mức độ quan tâm của người dùng online đối với các chợ bất động sản trực tuyến cũng sụt gần 40% so với cùng kỳ, trong đó các lượt xem tin bán đất và căn hộ chung cư lần lượt giảm 29-32%.
Trước những diễn biến của dịch COVID-19 hiện nay, các chuyên gia cho rằng, tình hình hoạt động của thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2021 sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá bất động sản, đặc biệt là bất động sản Hà Nội từ nay tới cuối năm dự kiến sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư.
Thiếu vắng nguồn cung mới
Lý giải về nguyên nhân giá bất động sản ở 1 số TP lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng bất chấp đại dịch, VnExpress dẫn lời bà Giang Quỳnh, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM cho biết có khoảng 40% số lượng dự án chung cư chào bán trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) có giá bán leo thang giữa đợt dịch lần thứ tư .
Theo bà Giang Huỳnh, có 3 nguyên nhân chính khiến giá nhà chung cư leo thang trong mùa dịch. Một là chi phí phát triển dự án có xu hướng tăng dần theo thời gian. Thứ hai, quỹ đất phát triển nhà ở hạn chế, chi phí đất tăng cao, lãi vay, thời gian cấp phép dự án kéo dài, dẫn đến chi phí đầu vào và phát triển dự án của doanh nghiệp càng tăng.
Nguyên nhân thứ ba là việc thiếu vắng nguồn cung nhà ở mới khiến các dự án đang chào bán có lợi thế cạnh tranh cũng thúc đẩy sự tăng giá cục bộ. Đây là tác động của yếu tố nguồn cung bị thu hẹp do dịch bệnh kéo dài nhưng chưa phản ánh đúng mức về diễn biến cung cầu trên thị trường nhà ở.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng xác nhận dù giá chào bán căn hộ tăng, tỷ lệ hấp thụ nhà ở tại thị trường TP.HCM ghi nhận trong kỳ ở mức rất thấp, chỉ đạt 35% do ảnh hưởng của dịch.
Còn theo batdongsan.com.vn cho biết, bên cạnh những nhà đầu tư vốn mỏng buộc phải cắt lỗ do không chịu được áp lực lãi vay ngân hàng thì thị trường cũng có không ít những nhà đầu tư vốn lớn vẫn găm hàng, bình thản giữa đại dịch. Họ có niềm tin khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ bật tăng trở lại.
Những nhà đầu tư này có xu hướng mua nhiều hơn bán và hướng đến lợi nhuận cao. Nếu lợi nhuận không được như kì vọng, họ để “dành” đất và tiếp tục chờ đợi do không phải chịu áp lực của vay lãi ngân hàng hay xoay vòng vốn. Ngoài trường vốn, điểm chung của các nhà đầu tư này là luôn đầu tư với quan điểm bất động sản là cuộc chơi của dài hạn và kiên trì. Đây cũng có thể coi là nguyên nhân khiến nguồn cung kham hiếm dẫn tới việc giá nhà tiếp tục leo thăng trong thời điểm dịch bệnh.