Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền góp phần ngăn chặn bong bóng bất động sản

Đông Bắc 08:15 | 25/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh đề tài "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam" để có thể kịp thời đưa ra các chính sách, nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ bong bóng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Phát biểu tại họp Hội đồng tư vấn và thực hiện đề tài khoa học: "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật" ngày 24/7, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là một đề tài khó, bởi nó vừa mang tính khoa học vừa là vấn đề kinh tế xã hội.

Việc phân định giữa phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền với các phân khúc khác phải đi cùng với việc xác định đối tượng phù hợp. Do vậy, khi hoàn thiện đề xuất chính sách, cần phải làm rõ vấn đề này.

Trong bối cảnh mới, chúng ta cần lưu ý tốc độ tăng trưởng của bất động sản bằng tốc độ tăng trưởng GDP cộng với tốc độ tăng lạm phát và đô thị hóa. Hiện nay, Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng kinh tế 2 con số, lạm phát cũng sẽ tăng theo không dừng ở mức 3,5% mà có thể lên tới 4 - 5%; kéo theo tốc độ tăng giá bất động sản trong tương lai từ năm 2026 trở đi có thể lên tới khoảng 12 - 15%. Đây là vấn đề cần quan tâm và phải tính giải pháp kịp thời để kiềm chế đà tăng này.

  TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia. Ảnh Reatimes.vn.

Nhiều chuyên gia bất động sản trên thế giới đều đồng tình rằng giá bất động sản trên toàn cầu sẽ không bao giờ giảm, kể cả Trung Quốc. Đặc biệt, giá bất động sản của Việt Nam cao gấp đôi Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại. Điều này dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản rất rõ. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần đẩy nhanh đề tài để có thể kịp thời đưa ra các chính sách, nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ bong bóng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Cũng tại cuộc họp, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận: Chúng ta thắc mắc "vừa túi tiền" là như thế nào? Tôi cho rằng, vừa túi tiền là vừa thu nhập. Phân khúc này phù hợp với người có thu nhập trung bình.

Phân tích kinh nghiệm của nhiều nước là tốt nhưng cũng cần xem xét kỹ lưỡng. Ví dụ như Singapore có hỗ trợ ngân sách của Nhà nước cho loại hình sản phẩm này, nhưng ở Việt Nam lại không có ngân sách hỗ trợ. Ông Võ cho rằng, Việt Nam có những điều kiện, tính chất khác biệt so với các nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới.

Về thị trường bất động sản Việt Nam, nguồn cung từ sơ cấp không có nhiều người tiếp cận được mà chủ yếu là tiếp cận ở giai đoạn thứ cấp, tức là giá đã tăng một lần. Ngay tiếp sau đó, ở thị trường thứ cấp, sản phẩm có khi trải qua 5 - 7 chặng chưa chắc đến được với người có nhu cầu ở thực. Như vậy, giá bất động sản Việt Nam cao vì nguồn cung chưa gặp cầu.

"Tại sao giá nhà ở lại cao đến thế, sau 10 năm giá nhà ở xã hội tăng gấp đôi? Tôi cho rằng, khó khăn là chưa đặt được giá trần khi bán ra nhà ở xã hội. Nhà nước phải đặt ra một giá trần cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và tuỳ mỗi dự án sẽ đưa ra mức giá bán khác nhau.

Ngoài ra, chi phí đất đai còn đang khá cao cũng khiến giá bất động sản tăng cao, nhất là khi bảng giá đất ngày càng tiệm cận giá thị trường", ông Võ cho hay.

Để giải quyết bài toán nhà ở vừa túi tiền, tôi cho rằng cần xử lý 2 vấn đề: Thứ nhất, giá nhà phải thấp; thứ hai, "túi tiền phải to", tức là giải quyết vấn đề thu nhập của người dân.

Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhận định: Theo chỉ đạo, Nhà nước đang ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho thuê ổn định, để những người có nhu cầu về nhà ở nhưng không có chỗ ở có thể sinh sống ổn định, hạn chế tình trạng đầu cơ. Khi nhà ở xã hội cho thuê tăng lên thì sẽ không còn chỗ cho nhà ở xã hội cho thuê mua, nhà ở thương mại vừa túi tiền.

Do vậy, điểm rơi của đề tài nghiên cứu khoa học này rất hợp trong bối cảnh hiện nay. Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn nhóm nghiên cứu có những nghiên cứu sâu hơn, phạm vi mở rộng hơn. Nhóm nghiên cứu đã có tìm hiểu về kinh nghiệm quốc tế ở nhiều nước, chúng tôi mong muốn nhóm sẽ tiếp tục lọc ra những chính sách nào phù hợp với việc phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền ở Việt Nam.

"Tôi cho rằng việc phát triển nhà ở vừa túi tiền này cần có sự can thiệp của Nhà nước. Trong đề án quy hoạch chung mới đây, Nhà nước đã đưa ra quy hoạch những khu vực nào phù hợp để phát triển nhà ở thương mại có giá rẻ. Với những công cụ của Nhà nước, chắc chắn sẽ kiểm soát được về quy hoạch, kế hoạch và giá bán, trong đó giá bán bao gồm giá vật liệu, giá nhân công….

Mục tiêu cuối cùng là phải kiểm soát được thị trường bất động sản, chứ không chỉ khống chế về giá bán ở thị trường sơ cấp. Có nghĩa, cả thị trường thứ cấp chúng ta cũng cần lưu ý để có sự kiểm soát. Cùng với chính sách quy hoạch, giá bán thì đối tượng thụ hưởng loại nhà ở này cũng cần được nghĩ đến.

Chúng tôi mong muốn nhóm thực hiện đề tài sẽ có thêm những nghiên cứu, từ đó đề ra được những giải pháp có tính khả thi, góp phần kiểm soát tốt thị trường bất động sản", bà Hạnh phát biểu tại buổi họp.

Theo danh sách do Sở Xây dựng TP Hà Nội công bố, trong 6 tháng đầu năm 2025, nguồn cung tại Hà Nội được bổ sung thêm 21 dự án với gần 22.000 căn nhà được phép đưa ra thị trường. Trong đó, phân khúc chung cư tiếp tục áp đảo với hơn 70% tổng nguồn cung, phần còn lại thuộc về các dự án nhà thấp tầng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận tổng nguồn cung 13.154 căn, giảm 35% so với nửa cuối năm 2024. Phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm tới 77% nguồn cung sơ cấp quý II, theo sau là hạng sang (hơn 18%), còn lại là căn hộ hạng B và không ghi nhận căn hộ hạng C. Các nguồn cung chủ yếu tập trung tại khu vực Đông Anh và Gia Lâm.