Hòa Bình phấn đấu có được 7.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, cả nước hoàn thành 156 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng với quy mô 156.700 căn hộ và có 245 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Đồng thời, tiếp tục khởi công thêm các dự án mới với đích đến của năm 2030 là hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội , công nhân khu công nghiệp. Để đạt mục tiêu này cần sự chung tay góp sức không nhỏ từ các địa phương.
Báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra ngày 1/8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính cho thấy trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm.
Nhiều địa phương thậm chí chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương đã và đang triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và phấn đấu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thêm nhiều dự án trong những năm tới.
Ngày 14/8, Sở Xây dựng Hòa Bình báo cáo số liệu xây dựng Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp". Trong đó, về nhu cầu và mục tiêu phát triển nhà, Hòa Bình dự kiến xây dựng khoảng 7.090 căn nhà ở xã hội hoàn thành vào năm 2025, trong đó nhà cho người thu nhập thấp là 1.970 căn, nhà cho công nhân là 5.120 căn. Tổng diện tích sàn khoảng 42 ha.
Trên địa bàn, tính đến ngày 30/6/2022, Hòa Bình đã xây dựng được tổng cộng 335 căn nhà ở xã hội, trong đó 220 căn cho người thu nhập thấp và 115 căn cho công nhân. Tổng mức đầu tư là 196 tỷ đồng.
Hiện tại, TP Hòa Bình cũng đang triển khai dự án nhà ở xã hội tại xã Sù Ngòi do CTCP Bất động sản PVSD - Sao Vàng đầu tư, quy mô 777 tỷ đồng, dự kiến sẽ cung cấp 788 căn nhà ở xã hội ra thị trường khi hoàn thành.
Bên cạnh đó, tại TP Hòa Bình vẫn còn những dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn như Dự án nhà ở xã hội cho công nhân mua, thuê và thuê mua (giai đoạn II) ở phường Hữu Nghị, cung cấp 42 căn với nguồn vốn 59,4 tỷ đồng do CTCP Thương mại Dạ Hợp làm chủ đầu tư.
Ngoài ra còn có Dự án Khu nhà ở công nhân và dịch vụ công nghiệp tại xã Quang Tiến quy mô 435 căn, tổng mức đầu tư 478 tỷ đồng do liên danh CTCP Thương mại Dạ Hợp và CTCP Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long làm chủ đầu tư.
Tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch những khu đất dành cho nhà ở xã hội tại một số địa bàn như 15 ha tại thị trấn Lương Sơn, 5 ha tại xã Cư Yên, 10 ha ở xã Nhuận Trạch (đều thuộc huyện Lương Sơn) hay 30 ha ở xã Lạc Thịnh được quy hoạch nhà ở xã hội cho công nhân.
Trên quỹ đất 20% trong tỉnh, một số dự án cũng được quy hoạch nhà ở xã hội như KĐT sinh thái cao cấp Yên Quang, KĐT mới Nam Quảng Trường, KĐT mới Trung Minh A,...
Liên quan đến vai trò của địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đề nghị các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại những vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Riêng đối với các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… cần căn cứ quy định pháp luật về nhà ở và Nghị định số 35/2022/NQ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo đó, khi lập danh mục các khu công nghiệp phải dành tối thiểu 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; để dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.