Hơn 85% doanh nghiệp tại TP.HCM bị ảnh hưởng bởi đại dịch

Hà Lan 20:20 | 24/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Qua khảo sát 11.502 doanh nghiệp trong quý III/2021, trong đó có đến 9.858 doanh nghiệp trả lời bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm tỷ lệ 85,71% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021 là 4.493 doanh nghiệp, chiếm 39,06% tổng số doanh nghiệp khảo sát.

Ngày 24/10, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, qua khảo sát 11.502 doanh nghiệp trong quý III năm 2021, trong đó có đến 9.858 doanh nghiệp trả lời bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm tỷ lệ 85,71% tổng số doanh nghiệp khảo sát.

Lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ lệ 36,74%; Ít bị ảnh hưởng nhất là lĩnh vực thông tin và truyền thông, chỉ chiếm 3,69%.

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp ở những lĩnh vực, ngành cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ 16,42%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ chiếm tỷ lệ 8,79%; xây dựng chiếm 8,77%.

Hơn 85% doanh nghiệp tại TP.HCM bị ảnh hưởng bởi đại dịch. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp ở lĩnh vực vận tải kho bãi chiếm tỷ lệ 6,66%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ chiếm 4,85%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,77%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4,03%.

Theo đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, phần đông các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ 42,7%; doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn chiếm 27,15%; chính sách hỗ trợ chưa kịp thời chiếm tỷ lệ 18,23%; doanh nghiệp thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 11,92%.

Gần 40% doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động

Từ kết quả khảo sát trên, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố cũng ghi nhận trong 251.027 người lao động đang làm việc thì có đến 129.582 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chiếm tỷ lệ 51,62%.

Lao động giãn việc, nghỉ luân phiên chiếm 48,18%; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc chiếm 32,21%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 8,2%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương chiếm 7,45%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 3,96%.

Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021 là 4.493 doanh nghiệp, chiếm 39,06% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Trong đó, số doanh nghiệp dự kiến giảm giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên chiếm 59,02%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương chiếm 20,74%; cho lao động thôi việc chiếm 11,49%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương chiếm 8,75%.

Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt từ tháng 7/2021, toàn thành phố đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhiều giai đoạn và kéo dài.

Doanh nghiệp đã chịu áp lực không nhỏ khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy hoạt động khiến tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng; người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.

Việc vận hành các phương thức của doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ,” "1 cung đường, 2 điểm đến” hay “4 xanh” (gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh) đã làm giảm đáng kể lượng lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Để có thể nhanh chóng phục hồi ngay khi thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới," các doanh nghiệp đã và đang xây dựng lại kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có cả kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê.

"Tuy nhiên, việc lượng lao động nhập cư về quê ồ ạt trong thời gian qua đã gây trở ngại rất lớn cho việc sắp xếp lại nhân sự trong doanh nghiệp", ông Triết chia sẻ.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, hiện nhiều doanh nghiệp và người lao động bắt đầu quen dần với các hình thức làm việc tại nhà, làm việc trực truyến, nhất là những ngành nghề có liên quan nhiều đến công nghệ thông tin như thông tin và truyền thông, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp cũng dần thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức tuyển dụng để có đủ nhân sự và làm việc phù hợp trong tình hình hiện nay.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ sẽ càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới hiệu quả hơn để hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ.

Do đó, người lao động trong giai đoạn này ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, cần phải nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tay nghề và tác phong công nghiệp. Đó là những thứ có giá trị bền vững để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời gian tới, trước những thay đổi của thị trường lao động do đại dịch Covid-19.

 

Cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng về tổng thể, quy mô nền kinh tế đang vận hành trong tháng 9 chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ năm 2020.

Để phục hồi kinh tế cả nước, ông Khánh đề xuất với chính sách tài khóa, nhóm nghiên cứu kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần 4 đã chỉ ra rằng ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng các hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả tốt cho phục hồi trọn vẹn.

“Do đó, chúng tôi đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam" - ông Khánh nói.

Đối với TP.HCM, ông Khánh khuyến nghị sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời và các gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn tái phân bổ chi ngân sách, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM…

Ông Khánh cũng đề xuất TP.HCM chia sẻ chi phí lương, tăng tái tạo việc làm. Bởi theo ông, tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc hoặc nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP.

"TP.HCM cần sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng áp dụng từ tháng 9-2021 đến 3/2022 chia làm hai giai đoạn: đến 12/2021 và quý 1-2022. Ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng tương đương 0,29% GRDP của TP” – ông Khánh đề xuất.

Cùng với đó, ông Khánh còn đề xuất phát triển chương trình nhà ở giá hợp lý, cần đảm bảo đa dạng các hình thức nhà ở, bao gồm cả sở hữu (mua nhà), thuê tài chính, thuê trọn đời, thuê dài hạn, thuê ngắn hạn, đáp ứng được cho các đối tượng, kể cả lao động tự do. Từ đó sẽ tạo điều kiện thu hút lao động quay trở lại TP.HCM và góp phần chỉnh trang đô thị.

Ngoài ra, để phục hồi kinh tế, ông Khánh còn đề xuất từng bước chuyển đổi mô hình chợ truyền thống; mở rộng chương trình hỗ trợ lãi suất hiện nay để áp dụng cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày...), logistics trong giai đoạn hồi phục kinh tế nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn chi phí thấp, kích thích đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu. Ước tính quy mô hỗ trợ lãi suất khoảng 800 tỷ đồng/năm.

Cùng đó, TP cần tăng cường chuyển nhượng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu. Làm được điều này sẽ tạo ra nguồn lực cực lớn trong giai đoạn ngắn để hồi phục nhưng phải có kế hoạch hấp thụ nguồn vốn này. Ngoài ra, TP cũng cần nâng cao năng lực y tế; đẩy mạnh liên kết vùng...