Quy hoạch đô thị Văn Giang, Hưng Yên sẽ 'hút' nhiều ông lớn bất động sản

Đông Bắc 16:06 | 15/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đô thị Văn Giang được quy hoạch với tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040. 

Theo Quyết định, phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang được thực hiện trong địa giới hành chính của huyện Văn Giang. Cụ thể, phía Bắc giáp huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Phía Nam giáp huyện Khoái Châu và huyện Yên Mỹ. Phía Đông giáp huyện Văn Lâm. Phía Tây giáp sông Hồng và thành phố Hà Nội.

Quy mô lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Văn Giang 7.194,82 ha. Theo dự báo, đến năm 2040, đô thị Văn Giang có khoảng 363.000 người.

Đô thị Văn Giang có tính chất là trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà ở), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

 Hưng Yên quy hoạch đô thị Văn Giang đến năm 2040. Ảnh TTĐTHY.

Định hướng phát triển không gian đô thị Văn Giang được chia thành ba phân vùng gồm:

Vùng đô thị hóa tập trung là phần diện tích xây dựng các khu đô thị được xác định trên cơ sở mở rộng thị trấn Văn Giang, gắn kết với hai khu đô thị lớn là Ecopark và Dream City, gồm từng phần hoặc toàn bộ địa phận hành chính các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, Long Hưng, Liên Nghĩa, Nghĩa Trụ.

Các vùng đệm sẽ phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistic, thương mại, dịch vụ... Còn vùng bãi ngoài để phát triển đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, cảnh quan môi trường, quản lý xây dựng, gắn với các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng cấp.

Khu trung tâm đô thị Văn Giang được xây dựng tại khu vực phía Nam đường vành đai 3,5 vùng Thủ đô (thuộc địa bàn thị trấn Văn Giang, xã Long Hưng), diện tích khoảng 40 ha. Trung tâm hành chính cấp xã giữ nguyên vị trí hiện nay.

Về du lịch, đô thị Văn Giang phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị cảnh quan sinh thái, môi trường; đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa; mở rộng phát triển du lịch cuối tuần gắn với sinh thái, trang trại, nông nghiệp nông thôn, vui chơi giải trí để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần thu hút khách du lịch; phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp và ẩm thực cuối tuần tại khu đô thị sinh thái Ecopark kết hợp du lịch cộng đồng, tham quan làng hoa, cây cảnh ven sông Hồng.

Công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao…

Văn Giang thu hút nhiều "ông lớn" bất đất sản đầu tư

Huyện Văn Giang hiện có diện tích dự án xây dựng đô thị lớn tới 1.515 ha (21,1% diện tích tự nhiên). Các dự án đô thị lớn tại Văn Giang phải kể đến dự án Ecopark có tổng diện tích 499,07 ha của chủ đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD. Dự án gồm 13 tòa chung cư, với 1500 căn hộ, 138 căn biệt thự Vườn Mai, 204 căn biệt thự Vườn Tùng, cùng các biệt thự đảo, khu nhà phố Trúc.

Hay như 2 Khu đô thị lớn của Vinhomes, đó là Vinhomes Dream City của Vingroup tại xã Long Hưng và Nghĩa Trụ có diện tích 457,92 ha, tổng mức đầu tư khoảng 33.000 tỷ đồng; Vinhomes Đại An rộng 293,96 ha, vốn đầu tư: 32.661 tỷ đồng, diện tích nằm trong huyện Văn Giang là 201,2 ha. Bên cạnh đó là hàng loạt các khu đô thị khác như Khu đô thị sinh thái như Xuân Cầu rộng 198,4 ha, tổng mức đầu tư: gần 10.000 tỷ đồng, Xuân Thành Land, Hòa Bình Green...

Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Giang khóa XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thì mục tiêu tới đây của huyện Văn Giang trở thành đô thị loại III vào năm 2025. Để đạt mục tiêu đề ra, địa phương này đã xây dựng lộ trình cụ thể nhằm phát triển đô thị ở từng giai đoạn.

Thị trường bất động sản Hưng Yên biến động ra sao?

Trong 3 năm trở lại đây, giá bất động sản Hưng Yên tăng lên theo xu hướng chung của thị trường, dưới tác động của các thông tin quy hoạch, dự án hạ tầng - giao thông. Nguồn cung dự án mới tại Hưng Yên khá hạn chế, xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra vùng ven Hà Nội cũng là nguyên nhân khiến giá nhà đất Hưng Yên biến động mạnh, đặc biệt là ở các loại hình đất nền, nhà mặt phố.

 Hưng Yên thu hút dòng vốn đầu tư vào loại hình đất nền là chủ yếu, tập trung tại Văn Giang, Văn Lâm, "ăn theo" các dự án lớn như Ecopark, dự án của Vinhomes và đất nền gần các KCN. Khả năng thu hút FDI chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp, các dự án KCN mới được phê duyệt là những lợi thế tạo nên tiềm năng tăng giá cho đất nền gần KCN.

 Bất động sản tại Văn Giang được đánh giá sản sôi động nhất tỉnh Hưng Yên. Ảnh VNM.

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, cuối năm 2021, đất nền Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn năm 2020 sau một thời gian chững giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, đất nền gần khu công nghiệp là loại hình BĐS tăng nhiệt rõ rệt bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh. Đơn cử, đất gần KCN Phố Nối (Mỹ Hào) thời điểm cuối 2020 có giá 17-21 triệu đồng/m2 đã tăng lên 24-29 triệu đồng/m2. Những lô ở vị trí mặt đường lớn, có thể kinh doanh, giá rao bán lên tới 36-40 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, đất gần KCN ở Ân Thi, dọc trục đường Quốc lộ 38 tăng giá từ mức 13-18 triệu đồng/m2 lên 17-23 triệu đồng/m2. Với những lô góc 2 mặt thoáng, giá tăng từ 20-24 triệu đồng/m2 lên 27-31 triệu đồng/m2. Đất gần KCN ở Văn Giang, vị trí gần đường Tỉnh lộ 379, giá rao bán tăng từ 25-30 triệu đồng/m2 lên mức 31-36 triệu đồng/m2. Đất vị trí đẹp gần KCN ở xã Trưng Trắc (Văn Lâm) cũng tăng giá từ 20-25 triệu đồng/m2 lên mức 24-30 triệu đồng/m2.

Theo đánh giá của Batdongsan.com.vn, Hưng Yên là thị trường bất động sản giàu tiềm năng nhờ vị trí cửa ngõ Hà Nội, quỹ đất còn dồi dào, biên độ tăng giá tốt, hạ tầng ngày càng được nâng cấp đồng bộ. Trong khi quỹ đất Hà Nội ngày càng khan hiếm, mặt bằng giá BĐS bị đẩy lên cao thì Hưng Yên sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra vùng ven, nhất là khi tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, hạ tầng tốt.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản Hưng Yên phát triển không đồng đều, giao dịch sôi động nhất vẫn là khu vực phụ cận Hà Nội như Văn Giang, Văn Lâm. Sốt giá đất chỉ diễn ra cục bộ tại một số địa phương hưởng lợi hạ tầng dự án hoặc khu công nghiệp. Năm 2022, nhà đầu tư bắt đầu mở rộng tìm kiếm bất động sản tại các thị trường nhỏ hơn như Yên Mỹ, TP Hưng Yên, Khoái Châu. Sự xuất hiện của các đại dự án từ những chủ đầu tư uy tín cùng quy hoạch hạ tầng - giao thông, KCN được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS Hưng Yên, đa dạng hóa nguồn cung và tăng tính thanh khoản.