Hưng Yên sẽ trở thành 'tâm điểm' mới của thị trường bất động sản
Vị trí địa lý thuận lợi
Hưng Yên năm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, là 1 trong 7 tỉnh, thành tạo nên vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Với vị trí cửa ngõ phía Đông Nam của Hà Nội, nằm trên trục đường Quốc lộ 5A và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Quốc lộ 5B), cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hưng Yên sở hữu nhiều lợi thế trong việc kết nối, giao thương với thủ đô và các tỉnh, thành lân cận.
Trung tâm hành chính của tỉnh Hưng Yên là TP Hưng Yên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km về phía Đông Nam. Cùng với Thái Bình, Hưng Yên là 1 trong 2 tỉnh miền Bắc có địa hình hoàn toàn là đồng bằng, không có rừng, núi. Địa hình bằng phẳng, độ cao đất đai gần như đồng đều trên toàn tỉnh là điều kiện rất thuận lợi để phát triển sản xuất, giao thông-vận tải tại Hưng Yên.
Hưng Yên khai thác tốt thế mạnh vị trí ngay sát Hà Nội, trung tâm đồng bằng sông Hồng với mạng lưới giao thông kết nối vùng khá hoàn chỉnh để phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh chú trọng thu hút dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Cơ cấu thu hút đầu tư vào Hưng Yên chuyển dịch theo hướng tập trung nhiều hơn vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Các dự án FDI tập trung ở các khu công nghiệp (KCN) lớn của tỉnh như: KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II (Sumitomo), KCN Yên Mỹ, KCN Yên Mỹ II, KCN Minh Đức, KCN Minh Quang..., với các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác, tạo việc cho khoảng 57.000 lao động...
Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên cũng nằm trong địa phương có dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chạy qua. Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô có 19,3 km nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cụ thể là 4 huyện Văn Giang (8,4 km), Khoái Châu (1,5 km), Yên Mỹ (2,6 km), Văn Lâm (6,8 km). Dự án với quy mô 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Đây chính là điều cốt lõi tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Hưng Yên đón "luồng gió mới".
Những dự án bất động sản nổi bật tại Hưng Yên
Hiện có khoảng 70 dự án bất động sản đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong đó có hơn 50 dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở. Con số này khá khiêm tốn nếu so sánh với thị trường Hà Nội (hơn 1000 dự án).
Các dự án khu đô thị lớn tại Hưng Yên gồm có: Khu đô thị Ecopark, Khu đô thị V-Green City Phố Nối, Khu đô thị The Empire - Vinhomes Ocean Park 2, Khu đô thị Hòa Phát Phố Nối, Khu đô thị New City Phố Nối, Khu đô thị T&T Phố Nối.
Các dự án chung cư đáng chú ý tại Hưng Yên bao gồm: Các phân khu chung cư trong quần thể dự án Ecopark: Sky Forest, Sol Forest, Haven Park, Swan Lake, Sky Oasis,...; Các phân khu chung cư trong quần thể dự án The Empire - Vinhomes Ocean Park 2.
Ngoài 2 dự án lớn là Ecopark và The Empire - Vinhomes Ocean Park 2, thị trường Hưng Yên cũng sẽ đón nhận thêm nguồn cung mới với 2 dự án đáng chú ý khác là Vinhomes Đại An - quy mô gần 300 ha, nằm trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang; và dự án Khu đô thị Xuân Cầu với tổng diện tích gần 200 ha ở thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang. Sản phẩm của các dự án lớn này sẽ là sự bổ sung đáng kể cho nguồn cung bất động sản Hưng Yên, mang đến thêm lựa chọn cho người mua và nhà đầu tư.
Huyện Văn Giang được đánh giá là khu vực sôi động nhất của thị trường BĐS Hưng Yên. Văn Giang nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, bên bờ tả ngạn sông Hồng, giáp huyện Gia Lâm của Hà Nội ở phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Gia Lâm, giáp huyện Thanh Trì ở phía Tây và huyện Thường Tín ở phía Tây Nam. Huyện Văn Giang chỉ cách Hồ Gươm khoảng 12km, dễ dàng kết nối với Hà Nội qua các cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3,... Với đại dự án Ecopark, Văn Giang luôn là thị trường nhà đất nóng nhất Hưng Yên, tập trung phần lớn nguồn cung, từng ghi nhận hiện tượng sốt giá đất.
Ngoài huyện Văn Giang, thị xã Mỹ Hào với trọng tâm là khu vực Phố Nối cũng là một thị trường có giao dịch sôi động, hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào phát triển đồng bộ các khu đô thị mới như T&T Group, TNR, Hòa Phát,… Bên cạnh đó, những năm gần đây, Hưng Yên cũng ghi nhận một số thị trường mới, thu hút nhà đầu tư đến tìm kiếm nhà đất là Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu.
Thị trường bất động sản Hưng Yên đang phát triển không đồng đều
Trong 3 năm trở lại đây, giá bất động sản Hưng Yên tăng lên theo xu hướng chung của thị trường, dưới tác động của các thông tin quy hoạch, dự án hạ tầng - giao thông. Nguồn cung dự án mới tại Hưng Yên khá hạn chế, xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra vùng ven Hà Nội cũng là nguyên nhân khiến giá nhà đất Hưng Yên biến động mạnh, đặc biệt là ở các loại hình đất nền, nhà mặt phố.
Hưng Yên thu hút dòng vốn đầu tư vào loại hình đất nền là chủ yếu, tập trung tại Văn Giang, Văn Lâm, "ăn theo" các dự án lớn như Ecopark, dự án của Vinhomes và đất nền gần các KCN. Khả năng thu hút FDI chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp, các dự án KCN mới được phê duyệt là những lợi thế tạo nên tiềm năng tăng giá cho đất nền gần KCN.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, cuối năm 2021, đất nền Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn năm 2020 sau một thời gian chững giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, đất nền gần khu công nghiệp là loại hình BĐS tăng nhiệt rõ rệt bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh. Đơn cử, đất gần KCN Phố Nối (Mỹ Hào) thời điểm cuối 2020 có giá 17-21 triệu đồng/m2 đã tăng lên 24-29 triệu đồng/m2. Những lô ở vị trí mặt đường lớn, có thể kinh doanh, giá rao bán lên tới 36-40 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, đất gần KCN ở Ân Thi, dọc trục đường Quốc lộ 38 tăng giá từ mức 13-18 triệu đồng/m2 lên 17-23 triệu đồng/m2. Với những lô góc 2 mặt thoáng, giá tăng từ 20-24 triệu đồng/m2 lên 27-31 triệu đồng/m2. Đất gần KCN ở Văn Giang, vị trí gần đường Tỉnh lộ 379, giá rao bán tăng từ 25-30 triệu đồng/m2 lên mức 31-36 triệu đồng/m2. Đất vị trí đẹp gần KCN ở xã Trưng Trắc (Văn Lâm) cũng tăng giá từ 20-25 triệu đồng/m2 lên mức 24-30 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của Batdongsan.com.vn, Hưng Yên là thị trường bất động sản giàu tiềm năng nhờ vị trí cửa ngõ Hà Nội, quỹ đất còn dồi dào, biên độ tăng giá tốt, hạ tầng ngày càng được nâng cấp đồng bộ. Trong khi quỹ đất Hà Nội ngày càng khan hiếm, mặt bằng giá BĐS bị đẩy lên cao thì Hưng Yên sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra vùng ven, nhất là khi tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, hạ tầng tốt.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản Hưng Yên phát triển không đồng đều, giao dịch sôi động nhất vẫn là khu vực phụ cận Hà Nội như Văn Giang, Văn Lâm. Sốt giá đất chỉ diễn ra cục bộ tại một số địa phương hưởng lợi hạ tầng dự án hoặc khu công nghiệp. Năm 2022, nhà đầu tư bắt đầu mở rộng tìm kiếm bất động sản tại các thị trường nhỏ hơn như Yên Mỹ, TP Hưng Yên, Khoái Châu. Sự xuất hiện của các đại dự án từ những chủ đầu tư uy tín cùng quy hoạch hạ tầng - giao thông, KCN được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS Hưng Yên, đa dạng hóa nguồn cung và tăng tính thanh khoản.
Hưng Yên đặt mục tiêu giải quyết nhà ở cho gần 60.000 công nhân
Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025 giải quyết khoảng 50% số công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở. Theo đó, khoảng 59.000 người sẽ được đáp ứng nhu cầu nhà ở tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung.
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, đến năm 2025 số lượng căn hộ cần đáp ứng khoảng 17.000 căn với tổng diện tích sàn nhà ở được xây dựng khoảng 1.062.000 m2. Diện tích đất dự kiến thực hiện các dự án nhà ở công nhân khoảng 82,6 ha.
Đến năm 2030, Hưng Yên đặt mục tiêu giải quyết 85% số công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở, tương đương khoảng gần 160.000 người. Số lượng căn hộ cần đáp ứng khoảng 45.700 căn với tổng diện tích sàn nhà được xây dựng khoảng 2.861.500 m2. Diện tích đất dự kiến thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân giai đoạn này khoảng hơn 221 ha.
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp nhằm đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, các khu vực sản xuất tập trung đông công nhân. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, triển khai dự án theo kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và các giai đoạn đến năm 2025 và 2030.