IEA: Khủng hoảng nguồn cung dầu toàn cầu đang lắng xuống
Theo IEA, có nhiều nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, giá dầu tăng cao là một gánh nặng với người tiêu dùng, làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi bản thân dầu là một sản phẩm lạm phát cao. Các chính sách tiền tệ siết chặt của các Ngân hàng trung ương càng làm suy yếu nhu cầu. Trong khi đó, về phía nguồn cung, các nhà sản xuất của Mỹ và Canada đang dẫn đầu sản lượng dầu toàn cầu. Đồng thời, các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga ít ảnh hưởng đến sản lượng hơn dự đoán ban đầu.
Những diễn biến đó đã tác động lên giá dầu. Dầu thô Brent giảm 7,1% vào phiên 12/7 xuống 99,49 USD/ thùng, gần mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2; trước khi tăng trở lại 1,1% vào 13/7 lên 100,54 USD / thùng.
Nửa đầu năm nay, thế giới đã đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu trầm trọng. Có thời điểm mỗi thùng dầu có giá lên đến gần 130 USD sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Thêm nữa, nguồn cung bị bóp nghẹt vì các nhà sản xuất dầu lớn đã chậm chạp trong việc tăng sản lượng cùng với tốc độ phục hồi nhu cầu toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã làm gián đoạn nguồn cung hàng triệu thùng dầu từ một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, mặc dù nước này đã tìm kiếm thị trường tiêu thụ thay thế là Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã phải vật lộn với việc đạt được các mục tiêu kế hoạch nhằm nâng dần sản lượng. Arab Saudi, thành viên chủ chốt của OPEC, đang miễn cưỡng tăng sản lượng của mình để chống lại lượng dầu bị mất từ Nga.
IEA cho biết mức giá cao đã làm chậm nhu cầu đối với dầu thô trên toàn cầu. Cơ quan này đã cắt giảm dự báo nhu cầu trong năm 240.000 thùng/ngày xuống còn 99,2 triệu thùng/ngày. Nhu cầu vào năm 2023 cũng sẽ thấp hơn 280.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó là 101,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, IEA kỳ vọng những tác động lên nhu cầu sẽ ở mức thấp vì sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã giúp bù đắp nhu cầu dầu bị mất ở những nơi khác trên thế giới.
Cơ quan này đã nâng dự báo nguồn cung trong năm thêm 300.000 thùng/ngày lên 100,1 triệu thùng/ngày, đồng thời nâng dự báo sản lượng dầu thô của Nga trong năm nay thêm 240.000 thùng/ngày lên 10,6 triệu thùng/ngày. Vào tháng 6, nguồn cung dầu toàn cầu đã tăng 690.000 thùng/ngày lên 99,5 triệu thùng/ngày, phần lớn là do sản lượng của Nga dồi dào hơn dự báo.
Dữ liệu của IEA cho thấy, các biện pháp trừng phạt gây áp lực lên xuất khẩu dầu của Nga nhưng giá dầu cao hơn giúp nước này thu lợi nhuận nhiều hơn đáng kể so với trước xung đột. Xuất khẩu dầu của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021 vào tháng 6, nhưng doanh thu xuất khẩu dầu của nước này đã tăng 700 triệu USD lên 20,4 tỷ USD, nhiều hơn 40% so với mức trung bình năm 2021.
Báo cáo thị trường dầu mỏ của OPEC được công bố hôm thứ 12/7 chỉ ra tăng trưởng kinh tế đang giảm và nhu cầu dầu suy yếu. Báo cáo dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 3,2% vào năm 2023 từ mức 3,5% trong năm nay do các nền kinh tế ở châu Âu và Mỹ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ lạm phát tăng vọt và các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.