Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện năm 2018, EVN lãi gần 700 tỷ đồng
19:35 | 18/12/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -Với doanh thu bán điện năm 2018 hơn 332.983 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017 trong khi chi phí là 332.284 tỷ đồng, năm 2018, EVN lãi 698,701 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện.
Đây là con số được Bộ Công Thương đưa ra vào chiều 18/12, tại buổi công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN.
Tại buổi họp báo công bố chi phí sản xuất điện năm 2018, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 192,36 tỷ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Còn giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.
Trong khi đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.
Nhờ vậy, năm 2018 hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN đang mang về khoản lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47% (năm 2017, khoản lãi này là 2.792 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tổng chi phí khâu phát điện là là hơn 255.000 tỷ đồng. Lý giải chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng so với năm 2017, ông Tuấn cho biết, do lượng nước về hồ chứa thủy điện khoảng 365 tỷ m3, thấp hơn khoảng 12 tỷ m3 so với năm 2017. Do đó, sản lượng điện từ thủy điện năm 2018 thấp hơn so với năm 2017, sản lượng điện huy động từ các nguồn điện khác như điện than, turbine khí, năng lượng tái tạo… cao hơn so với năm 2017.
Bên cạnh đó, năm 2018, mặc dù giá than nội địa ổn định, nhưng giá than nhập khẩu năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017. Trong đó, giá than Coalfax năm 2018 bình quân là 107,85 USD/tấn, tăng 20,42 so với năm 2017. Giá than NewCastle Index năm 2018 bình quân là 107,34 USD/tấn tăng 21,34%.
"Việc giá than nhập khẩu tăng, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3", ông Tuấn nhận định.
Năm 2018, giá dầu diesel bình quân là 17.044 đồng/lít, tăng 22% so với năm 2017. Giá dầu mazut bình quân năm 2018 là 14.245 đồng/kg, tăng 20,7% so với năm 2017. Giá dầu tăng đã làm tăng chi phí khi huy động các nhà máy nhiệt điện chạy dầu. Giá dầu HSFO thế giới năm 2018 tăng cao so với năm 2017 khoảng 31,9%
"Với việc giá dầu HSFO thế giới tăng so với năm 2017, trong khi đây lại là tham chiếu tính giá khí thị trường, điều này làm tăng chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện Cà Mau và các nhà máy nhiệt điện có giá khí theo thị trường", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhận định.
Cũng trong khuôn khổ họp báo, chia sẻ về việc liệu có khả năng tăng giá điện trong thời gian tới không, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay: Việc điều chỉnh giá điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không phải cứ chi phí tăng thì chắc chắn là tăng giá điện. EVN nỗ lực giảm chi phí giá thành ít tác động trong điều chỉnh giá điện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2019 là ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cũng như các nhu cầu thiết yếu. Trong khi đó, Bộ Công Thương mới đây đã phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2020. Theo đó, dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019.
Do đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết cho biết trong năm 2020, EVN cơ bản đáp ứng điện cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn trong nguồn cung ứng điện.
"Thậm chí có năm thiếu lên tới 7 - 8 tỉ kWh điện. Từ nay đến những năm tới, Bộ Công Thương không để chậm tiến độ các dự án điện, sử dụng năng lượng hiệu quả, huy động thêm các nhà máy mới, phát triển mạnh mẽ hơn nữa năng lượng tái tạo thì vẫn có thể đáp ứng nguồn cung", Thứ trưởng Vượng khẳng định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay hiện có 19 dự án điện BOT, trong đó có tới 15 dự án vẫn đang thi công hoặc trong quá trình đàm phán. Hầu hết 19 dự án đều chậm tiến độ.
Theo đó, Thứ trưởng Công Thương đã nêu một loạt giải pháp để giải quyết thiếu điện như: Tích cực áp dụng các biện pháp để làm sao các dự án nhiệt điện đẩy nhanh tiến độ; sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, nhập khẩu từ các nước trong khu vực; đưa vào vận hành dự án điện mới; phát triển năng lượng tái tạo…