Khả năng thị trường biến động mạnh ở vùng 1.240 điểm, khuyến nghị gì cho NĐT ngắn hạn?

Diên Vỹ 17:14 | 08/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 9 mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cảnh báo nhà đầu tư về khả năng thị trường biến động mạnh ở vùng P/E trượt 14,8 lần của VN-Index (tương ứng vùng 1.240 điểm).

 

VN-Index  kết thúc tháng 8 tại 1.224 điểm, không tăng so với tháng 7. Diễn biến này đã chấm dứt mạch 4 tháng tăng điểm liên tiếp của chỉ số này. Về nhịp điều chỉnh mạnh (-6,8%) vào trung tuần tháng 8, các chuyên gia VDSC cho rằng đây là sự điều chỉnh lành mạnh giúp thị trường “bớt nóng” sau chuỗi 14 tuần trong xu hướng tăng điểm (kể từ đầu tháng 5/2023).

Kể từ thời điểm đó tới ngày 5/9, các chỉ số dần phục hồi: VN-Midcap ghi nhận đà tăng tốt nhất (+11,1%) và vượt mức đỉnh trong tháng 8, theo sau là VN-Smallcap (+6,4%), VN-Index (+4,8%) và VN30 (+4,6%). Điểm tích cực là diễn biến giá này đi kèm với thanh khoản bình quân cải thiện trở lại trên 20 nghìn tỷ đồng/phiên. 

“Điều này không chỉ phản ánh rằng một lượng lớn tiền đã chờ bắt đáy mà còn cho thấy dòng tiền duy trì được sức mua liên tục để giữ xu thế phục hồi sau đó”, báo cáo của VDSC nhấn mạnh.

 Nguồn: VDSC

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, dự báo VN-Index dao động trong vùng 1.210-1.280 điểm trong tháng 9

Bước sang tháng 9, nhóm phân tích chỉ ra hàng loạt yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường chứng khoán.

Đầu tiên là cuộc họp về các giải pháp nâng hạng TTCK và tiến độ triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm của Ủy ban CK vào ngày 7/9.

Cùng đó là kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm và hỗ trợ dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán.

Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua, các ngân hàng quốc doanh đã giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống mức 5,8%/năm. Theo VDSC, với định giá P/E  hiện tại của VN-Index là 14,9x và lợi suất tương ứng là 6,7%, TTCK vẫn hấp dẫn hơn tương đối so với kênh tiền gửi tiết kiệm.

 

“Trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống liên ngân hàng vẫn rất dồi dào khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp (tại ngày 6/9/2023 là 0,16%), chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động trong thời gian tới”

Trích báo cáo chiến lược tháng 9 của VDSC

 Nguồn: VDSC

Ngoài ra, các số liệu vĩ mô dự kiến tiếp tục khởi sắc nhẹ cũng sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán trong tháng 9. Theo đó, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc dần trong các tháng tới khi Thông tư 10/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/9/2023. Thông tư này gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới việc cho vay mua cổ phần của Công ty tư nhân, và cho vay đối với lĩnh vực BĐS (cho vay góp vốn theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án không đủ điều kiện kinh doanh, cho vay bù đắp tài chính).

Ngành sản xuất cũng đã có tín hiệu tốt hơn khi PMI Việt Nam trong tháng 8 đã tăng lên 50,5 điểm, lần đầu tiên vượt mốc trung lập 50 điểm sau nhiều tháng. Một số dấu hiệu phục hồi của nhu cầu đã giúp số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu kể từ tháng 2.

Trên thị trường quốc tế, một kỳ vọng tích cực khác là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại (5,25%-5,5%) trong cuộc họp chính sách tiền tệ tới đây.

Bên cạnh các yếu tố tích cực, VDSC cũng cảnh báo nhà đầu tư về một số rủi ro giảm đáng chú ý như xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể chưa chấm dứt có thể ảnh hưởng tới hiệu suất của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, xu hướng này được dự báo có thể không gây ra những ảnh hướng quá tiêu cực tới thị trường chứng khoán chung do 3 nguyên nhân. Một là yếu tố này đã được kỳ vọng khi NHNN lựa chọn mạnh tay nới lỏng CSTT. Cùng đó, tỷ lệ tham gia thị trường của NĐT tổ chức nước ngoài – nhóm NĐT có hành vi giao dịch liên quan tới tỷ giá – đang giảm dần. Thêm nữa, PMI cải thiện lên mức 50,5 trong tháng 8 qua hàm ý hoạt động xuất nhập khẩu cải thiện nhẹ và duy trì thặng dư thương mại.

Với những phân tích trên đây, VDSC dự báo thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng hỗ trợ bởi yếu tố dòng tiền với VN-Index dao động trong vùng 1.210-1.280 điểm trong tháng 9 này.

Cảnh báo khả năng thị trường có thể biến động mạnh ở vùng 1.240 điểm

Nhìn chung, nhóm chuyên gia VDSC cho rằng chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ tạo cơ hội giao dịch thuận lợi cho thị trường trong những tháng cuối năm. Theo đó, nhà đầu tư có thể sử dụng một tỷ lệ đòn bẩy hợp lý (và phù hợp khẩu vị rủi ro) để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư. 

Dù vậy, nhóm phân tích cảnh báo thị trường có thể biến động mạnh ở vùng P/E trượt 14,8 lần của VN-Index (tương ứng vùng 1.240 điểm). Theo đó, nhóm khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn cần tuân thủ nghiêm chiến lược mua – bán linh hoạt: tích lũy cổ phiếu ưa thích khi giá điều chỉnh về vùng chờ mua và giảm tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp thị trường có dấu hiệu “FOMO”.

Trước đó, trong tháng 8, trái với sự hoạt động tích cực của NĐT cá nhân, NĐT tổ chức trong và ngoài nước đang cho thấy sự thận trọng nhất định, thể hiện qua động thái bán ròng mạnh và mức độ tham gia thị trường (đo lường bằng tỷ lệ giao dịch của NĐT nước ngoài trên tổng giao dịch toàn thị trường) giảm. 

Sự thận trọng của NĐT tổ chức có thể sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường, đặc biệt trong môi trường lãi suất thấp và tâm lý lạc quan của NĐT cá nhân, song VDSC cho rằng điều này có khả năng sẽ tạo nên những nhịp biến động mạnh của thị trường. Đặc biệt khi chỉ số càng lên cao (tiến đến vùng P/E 15.5x–16.x) mà thiếu nền tảng cơ bản hỗ trợ, mức độ điều chỉnh có thể mạnh và diễn ra bất ngờ (như trung tuần tháng 8). 

Trong tháng 8, trong khi NĐT cá nhân quay trở lại mua ròng mạnh 3.378 tỷ đồng (140,5 triệu USD), đưa vị thế ròng từ đầu năm tăng thêm lên 14.130 tỷ đồng (587,5 triệu USD) thì khối ngoại lại bán ròng 2.550 tỷ đồng (106 triệu USD) và khiến vị thế bán ròng kể từ đầu năm của nhóm này ngày càng sâu, giá trị tích lũy đạt -3.325 tỷ đồng (138,3 triệu USD).