Khách Trung Quốc trở lại, ngành hàng không kỳ vọng sẽ 'bay cao'
Các hãng bay ráo riết chuẩn bị đón du khách Trung Quốc trở lại
Để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, các hãng hàng không Việt Nam hiện nay đã lên kế hoạch tăng số chuyến bay thuê chuyến (charter), bay thẳng từ Trung Quốc đến các địa điểm tại Việt Nam.
Hãng hàng không Vietravel Airlines mới đây đã phối hợp với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay charter từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Trong đó tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với thành phố du lịch biển Nha Trang (Khánh Hòa).
Sự kiện này cũng mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới đối với thị trường hàng không tại Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước và quốc tế là rất lớn khi Vietnam Airlines đã có kế hoạch tăng tần suất các chuyến bay, đồng thời khôi phục 9 trên 10 đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc trong tháng 4/2023.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hãng đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khi Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn vào ngày 15/3.
Năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), Vietnam Airlines phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19% tổng số lượng khách quốc tế Vietnam Airlines và nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng.
Tháng 12/2022, khi Trung Quốc nới lỏng việc cấp phép bay và điều kiện cách ly, Vietnam Airlines đã mở lại các đường bay kết nối từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Quảng Châu, Thượng Hải.
Tháng 3 năm nay, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Quảng Châu và Thượng Hải, đồng thời nối lại đường bay Hà Nội - Bắc Kinh.
Trong các tháng tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay giữa Đà Nẵng - Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô và giữa Hà Nội-Thành Đô, cũng như tăng cường đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc.
Bên cạnh việc nghiên cứu mở đường bay kết nối Hà Nội với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh, hãng này cũng kỳ vọng các nhà chức trách sẽ tiếp tục nới lỏng các thủ tục cho du khách để thúc đẩy hàng không, du lịch giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Hãng hàng không Vietjet Air cũng tăng tần suất các chuyến charter từ Trung Quốc đến Cam Ranh lên 20 chuyến trong giai đoạn cuối tháng 3.
Bamboo Airways tiếp tục khai thác các chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội với Thiên Tân với tần suất 1 chuyến/tuần.
Với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu đi lại, du lịch tăng lên. Trong thời gian tới, các hãng đều hy vọng khách quốc tế vào Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo báo cáo phân tích ngành hàng không của CTCP Chứng khoán SSI ngày 14/3, các chuyên gia đánh giá khả năng phục hồi doanh thu của các hãng hàng không gần như là chắc chắn do Trung Quốc cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của du lịch Việt Nam. Trong khi đó, sự phục hồi lợi nhuận ròng dự kiến sẽ còn mất thêm khá nhiều thời gian nữa, do cạnh tranh và chi phí nhiên liệu vẫn gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận của ngành hàng không, vốn luôn rất thấp ngay cả trong thời gian hoạt động bình thường (biên lợi nhuận ròng năm 2019 của các hãng hàng không tại Việt Nam trong khoảng 3%-7%).
Cảng hàng không, dịch vụ kỳ vọng hồi phục từ các chuyến bay quốc tế
Cũng theo báo cáo trên, đối với các hãng hàng không, SSI kỳ vọng vào nhiều chuyến bay quốc tế hơn để giảm cạnh tranh về giá, giảm chi phí vốn và giảm rủi ro về chi phí nhiên liệu vào cuối năm 2023. Việc nối lại các chuyến bay quốc tế ban đầu có thể không mang lại lợi nhuận hoặc có khả năng sinh lời thấp do cạnh tranh cao giữa các hãng hàng không để giành lại thị phần quốc tế, trong khi hiệu quả thấp hơn so với trước COVID do công suất hoạt động của đội bay thấp. Nhóm phân tích cho rằng ngành hàng không vẫn phải đối mặt với một số trở ngại trong năm 2023, điều này có thể dẫn đến nhu cầu tái cơ cấu, bán tài sản, các hoạt động M&A từ phía các hãng hàng không.
Nhóm phân tích có dự phóng về kết quả kinh doanh của 2 công ty lĩnh vực cảng hàng không. Cụ thể, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) được kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận trước thuế cốt lõi năm 2023 là 8,7 nghìn tỷ đồng, cải thiện từ 7 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, tương đương 85% lợi nhuận trước thuế năm 2019.
Về CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST), các chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 sẽ tăng lên mức 234 tỷ đồng, từ mức hòa vốn năm 2022 và tương đương 88% lợi nhuận trước thuế năm 2019.
Trước đó, trong báo cáo phân tích AST của CTCP khoán VNDirect ngày 13/3, các chuyên gia kỳ vọng vào triển vọng phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế tới Việt Nam từ quý II/2023, giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 2.075% so với cùng kỳ (svck) đạt 36,9 triệu trong năm 2023 (bằng 87,9% trước dịch), sau đó tiếp tục tăng 12,2% đạt 41,4 triệu khách trong năm 2024 (bằng 98,6% trước dịch).
Ngoài ra, VNDirect cũng kỳ vọng sản lượng khách nội địa tăng 15,8% đạt 100,7 triệu khách trong năm 2023 và tăng 7,3% lên 108 triệu khách năm 2024 theo tốc độ hồi phục hiện tại. Do doanh thu mỗi cửa hàng của AST có độ tương quan cao với mức độ tăng trưởng sản lượng khách, đặc biệt khách quốc tế. Nhóm phân tích kỳ vọng doanh thu mỗi cửa hàng của AST tăng lần lượt 168,6% svck trong 2023 và 14,9% năm 2024, giúp doanh thu của AST tăng 169,5% svck trong 2023 và 18,9% năm 2024. Biên lãi gộp dự đoán trở lại mức trước dịch 54% giúp lãi ròng của AST tăng 931,6% svck trong 2023 và 12,5% năm 2024.