Khi FED mạnh tay thắt chặt tiền tệ, chỉ có may mắn mới khiến kinh tế Mỹ thoát suy thoái
FED dự kiến tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm sau phiên họp chính sách tiền tệ kết thúc vào chiều 4/5 (giờ Mỹ). Những người tham gia cuộc khảo sát của CNBC, bao gồm các nhà kinh tế, nhà quản lý quỹ và chiến lược gia đầu tư, nhận định rằng lãi suất cơ bản có thể đạt 2,25% vào cuối năm nay và tăng lên mức khoảng 3,08% vào tháng 8/2023. Con số cuối cùng cao hơn khoảng 0,72 điểm phần trăm so với kết quả trong cuộc khảo sát do CNBC thực hiện hồi tháng 3 vừa qua.
Ngoài ra, FED được dự báo sẽ thu hẹp bảng cân đối kế toán tổng cộng 2,7 nghìn tỷ từ mức gần 9 nghìn tỷ hiện nay, thời gian thực hiện quá trình này được kỳ vọng là 29 tháng. 57% số người được hỏi tin rằng FED sẽ tiến hành cả các biện pháp bán tài sản trong một nỗ lực siết chính sách tiền tệ mạnh mẽ bậc nhất lịch sử khi lạm phát tại Mỹ đã lên tới mức kỷ lục trong hơn 4 thập kỷ.
Ông Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận định rằng thị trường có thể không đánh giá cao nỗ lực thắt chặt định lượng của FED, và việc siết vòi bơm từ hai phía (vừa thắt chặt định lượng và tăng lãi suất mạnh tay) có thể sẽ gây ra những xáo trộn cho nền kinh tế.
Nếu kinh tế Mỹ tránh khỏi suy thoái, đó chỉ là may mắn
Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ mà FED cảnh báo cùng với sự dai dẳng của lạm phát đến nay khiến hầu hết các ý kiến cho rằng FED không thể “hạ cánh nhẹ nhàng” (tức giảm tốc nền kinh tế một cách vừa đủ để hạ nhiệt lạm phát mà không gây tổn thất lớn cho thị trường lao động hay đưa nền kinh tế rơi vào suy thoái).
Khi được hỏi liệu nỗ lực kiểm soát lạm phát về 2% của FED có khả năng gây suy thoái hay không, có tới 57% người tham gia khảo sát của CNBC tin rằng có, chỉ 33% tin rằng kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái và 10% không đưa ra nhận định.
Ông Robert Fry, nhà kinh tế trưởng của Robert Fry Economics LLC nhận định trong khảo sát: “Tôi kỳ vọng rằng một đợt suy thoái là cần thiết nếu FED muốn đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Nhưng đợt tăng lãi suất gần đây cùng với những dự báo trên thị trường rằng FED sẽ thắt chặt mạnh mẽ đã cho thị trường một số tín hiệu, điều này làm giảm mức độ nghiêm trọng của suy thoái nếu nó xảy ra”.
Tương tự, kinh tế trưởng Joel Naroff của Naroff Economics cho hay: “Khả năng tất cả những tác động sẽ tồi tệ và dai dẳng hơn so với những gì các mô hình dự báo chỉ ra, tức là khả năng FED tạo ra một cú hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế là rất khó xảy ra. Nếu nó xảy ra, đó chỉ là do may mắn”.
Dự báo lạm phát còn dai dẳng
Những người được hỏi cũng hạ đánh giá tổng thể về khả năng quản lý chính sách tiền tệ của Chủ tịch FED Jerome Powell từ mức A trong đại dịch xuống mức B- do sự thay đổi mạnh mẽ trong lập trường chính sách của FED gần đây cũng như việc lạm phát dai dẳng hơn nhiều so với kỳ vọng của cơ quan này. Trong 8 hạng mục mà CNBC xây dựng để “chấm điểm” ông Powell, ông này mất điểm nhiều nhất ở hạng mục dự báo kinh tế, nhưng được đánh giá cao về khả năng lãnh đạo, khả năng giao tiếp và tính minh bạch thông tin.
Ông Richard Bernstein, Giám đốc điều hành của Richard Bernstein Advisors nhận định: “Sẽ là khá kỳ quặc nếu bạn tin rằng Chủ tịch Powell có khả năng kiểm soát lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã lên mức cao nhất trong 40 năm, nhưng lãi suất cơ bản thực tế hiện vẫn đang ở mức âm. Không thể nào chống lạm phát khi lãi suất thực tế âm”.
Mặc dù 74% số người được hỏi tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh, hầu hết không tin rằng FED sẽ thành công trong việc kiểm soát lạm phát về 2%, ít nhất là đến năm 2024. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được dự báo sẽ kết thúc năm 2022 ở mức khoảng 5,6% và năm 2023 ở mức khoảng 3,3%.
Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng đã bị cắt giảm mạnh trong năm nay khi các ý kiến dự báo tăng trưởng GDP bình quân của Mỹ năm nay chỉ đạt khoảng 2,2%, giảm 0,7% so với dự báo hồi tháng 3. Những người dự báo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái thậm chí cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ năm nay có thể chỉ đạt 1,6%.