Khủng hoảng tiền mặt vắt kiệt vốn: Các nhà phát triển BĐS Trung Quốc lún sâu vào vòng xoáy nợ nần

12:18 | 18/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khủng hoảng tiền mặt ập đến, lãi suất trái phiếu tăng vọt đang đẩy các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc lún sâu hơn vào vòng xoáy nợ nần.

Tòa nhà văn phòng cao hơn 30 tầng dở dang tại Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia

Tại tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, tòa nhà văn phòng cao hơn 30 tầng được xây dựng bởi Zunyi Road and Bridge Construction Group Ltd. (tạm dịch: Tập đoàn xây dựng cầu đường Tuân Nghĩa) đã bỏ dở nhiều tháng nay với chỉ 1 nhân viên bảo vệ túc trực tại công trường. “Tôi chỉ mới được trả lương một lần từ đầu năm đến nay”, người này cho hay trên tờ Nikkei Asia.

Tập đoàn xây dựng cầu đường Tuân Nghĩa là một công ty tài chính thuộc sở hữu của Chính quyền địa phương (gọi tắt là LGFV) tỉnh Quý Châu. Theo Nikkei Asia, trong danh mục đầu tư của tập đoàn này còn có một trung tâm hội nghị quốc tế và một khách sạn sang trọng ở ngoại ô Tuân Nghĩa. Do khả năng sinh lời chưa chắc chắn cùng với cuộc ‘khủng hoảng’ bất động sản tại Trung Quốc và những thách thức liên quan đến các hạn chế COVID-19, dòng tiền của Tập đoàn xây dựng cầu đường Tuân Nghĩa đã liên tục xấu đi. Doanh nghiệp này thậm chí đã phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện, tranh chấp liên quan đến các khoản nợ chưa thanh toán.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Tập đoàn đã đàm phán thành công để điều chỉnh các điều khoản vay ngân hàng với thời hạn trả nợ mới được ấn định là 20 năm, lãi suất 3-4,5%/ năm. Mặc dù các điều khoản vay trước điều chỉnh không được tiết lộ, giới chuyên gia cho rằng việc gia hạn nợ với mức lãi suất như vậy đã là những hỗ trợ đáng kể trong bối cảnh dòng tiền của Tập đoàn xây dựng cầu đường Tuân Nghĩa gặp nhiều thách thức như vậy.

Nhưng từ đó đến nay, mặc dù được gia hạn nợ giúp giảm sức ép tài chính, Tập đoàn vẫn không thể huy động thêm vốn, dẫn đến việc hàng loạt dự án trong đó có tòa nhà văn phòng hơn 30 tầng nói trên rơi vào tình trạng đình trệ, bế tắc.

  Trung tâm hội nghị quốc tế hiện được chuyển thành sảnh tiếp tân, nhưng các công trình phụ cận vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Nikkei Asia.

Tại tỉnh Vân Nam lân cận, dự án sân bay quốc tế Trường Thủy Côn Minh đã khai trương vào năm 2012, nhưng từ đó đến nay, việc phát triển các công trình phụ cận vẫn đang dở dang do những rắc rối dòng tiền tại Tập đoàn Phát triển Đầu tư Sân bay Côn Minh, một tập đoàn thuộc sở hữu của chính quyền địa phương tỉnh Vân Nam.

Tình hình khó khăn đến mức thu nhập phát triển bất động sản mà Tập đoàn Phát triển Đầu tư Sân bay Côn Minh ghi nhận trong năm 2022 đã giảm xuống 0 NDT từ mức 1,1 tỷ NDT vào năm 2021. Theo tờ Nikkei Asia, tập đoàn này hiện đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng bán thực phẩm, với việc bán ngô và táo tàu như một nguồn thu mới.

Theo dữ liệu của Refinitiv, lãi suất trái phiếu do Tập đoàn này phát hành, đáo hạn vào năm 2026, đã tăng lên hơn 12% trong năm nay do lo ngại vỡ nợ khiến nhà đầu tư bán tháo.

Ở những tỉnh thiếu sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn đầu tàu như Vân Nam và Quý Châu, chính quyền địa phương trong những năm qua đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, trong cuộc khủng hoảng bất động sản và thách thức huy động vốn hiện nay, rủi ro tín dụng kéo theo là rất lớn. 

Chuyên gia phân tích Yifan Hu của UBS Global Wealth Management nói thêm rằng việc các chính quyền địa phương tại Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy chi tiêu công trong thời kỳ đại dịch để làm động lực cho tăng trưởng trong bối cảnh sản xuất, tiêu dùng và thương mại đều suy yếu đã làm trầm trọng thêm gánh nặng tài chính ở thời điểm hiện tại.

Theo dữ liệu từ Wind, một công ty nghiên cứu của Trung Quốc, tổng trị giá trái phiếu do các LGFV phát hành hiện đã lên tới 13,6 nghìn tỷ NDT, tương đương 1,9 nghìn tỷ USD và tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.

Citigroup ước tính khoản nợ chịu lãi suất của LGFV, bao gồm trái phiếu và các khoản vay ngân hàng, đã lên tới 47 nghìn tỷ NDT vào cuối năm 2022. Để so sánh, con số này tương đương 39% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.

Trước đây, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã xếp hạng cao cho trái phiếu LGFV với tiền đề các trái phiếu này đi kèm sự bảo đảm ngầm của chính quyền địa phương, và sâu xa hơn là Chính phủ. Nhưng thời gian qua, doanh thu từ việc bán quyền sử dụng đất của chính quyền địa phương đã giảm mạnh, làm suy yếu đáng kể khả năng bảo đảm cho các LGFV. Trong khi đó, đối tượng mua các trái phiếu này khá đa dạng, từ ngân hàng trong nước, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm, cho đến một số nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân. Do đó, một khi nguy cơ vỡ nợ xảy ra, tác động có thể sẽ tương đối sâu rộng.

Hiện, việc ngăn chặn và giải quyết các rủi ro hệ thống bắt nguồn từ lĩnh vực bất động sản cũng như rủi ro tài chính từ nợ của chính quyền địa phương đã được Chủ tịch Tập Cận Bình coi là ưu tiên trong chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, ngày 17/8 vừa qua, tập đoàn Evergrande - từng là tập đoàn BĐS lớn thứ hai Trung Quốc - đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ theo Chương 15, Luật Bảo hộ Phá sản Mỹ. Động thái này sẽ cho phép một tòa án phá sản tại Mỹ vào cuộc khi có trường hợp mất khả năng thanh toán liên quan đến một quốc gia khác. 

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tổng nợ của Evergrande đã lên tới khoảng 2.437 tỷ nhân dân tệ (340 tỷ USD). Con số này tương đương 2% GDP Trung Quốc.  

Sự kiện Evergrande được cho là hệ quả từ quá trình tăng trưởng nóng kéo dài của thị trường bất động sản và trái phiếu Trung Quốc, cùng với mô hình đặc trưng “xoay vòng nợ phải trả” của các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng nóng.