Kiến nghị cho phép chuyển nhượng nhà ở xã hội trước thời hạn
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri TP HCM liên quan loạt vấn đề về nhà ở xã hội . Trong đó, cử tri đề nghị mở rộng thêm đối tượng được tiếp cận loại hình nhà ở xã hội này trong thời gian làm việc, học tập, công tác cụ thể.
Ngoài ra là kiên quyết thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng; công khai hoạt động mua bán, tiêu chí tham gia đăng ký nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục mua bán đảm bảo minh bạch danh sách, địa chỉ thường trú, nơi làm việc của những người đăng ký mua nhà ở xã hội.
Cử tri cũng đề nghị 'nới lỏng' việc giao dịch, chuyển nhượng nhà ở xã hội như mua nhà ở xã hội do nhà nước hoặc nhà nước giao cho công ty quản lý, khi nào người ở không có nhu cầu thì bán, trả lại với mức giá phù hợp (sau khi đã khấu hao thời gian sử dụng). Sau đó, cơ quan quản lý có thể bán lại cho người lao động khác có nhu cầu; giá trị nhà ở xã hội phải được xác định trên mặt bằng thu nhập của người lao động phổ thông, đáp ứng diện tích, tiện nghi, nhu cầu tối thiểu.
Bộ Xây dựng phản hồi ý kiến của cử tri: Về đề nghị mở rộng thêm đối tượng được tiếp cận loại hình nhà ở xã hội này trong thời gian làm việc, học tập, công tác, Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định các nhóm đối tượng cũng như điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Kế thừa các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, hiện nay dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó Điều 74 dự thảo Luật, ngoài những đối tượng đang được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã đề xuất cắt giảm, nới lỏng các điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội: bỏ điều kiện về cư trú; trường hợp thuê thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở, thu nhập.
“Các quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật nêu trên nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và người dân yếu thế trong xã hội có thể tiếp cận với nhiều hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”, Bộ Xây dựng thông tin.
Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến kiến nghị về giao dịch, chuyển nhượng nhà ở xã hội của cử tri TP HCM để nghiên cứu và tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Người mua nhà ở xã hội bao lâu thì được phép chuyển nhượng?
- Khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.
- Khoản 4 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP cũng quy định người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua;
Người mua, thuê mua chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó;
Trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất, tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán nhà ở.