Kinh tế 2023, dự báo 2024: Bộ Xây dựng đặt trọng tâm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành xây dựng năm 2023 vẫn đạt 7,3 - 7,5%, tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị đạt 53,9%. Đây là những chỉ tiêu ngành xây dựng đã nỗ lực để vượt mức kế hoạch đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, về cơ bản, ngành xây dựng đã hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra từ đầu năm. Kết quả này thể hiện hiệu quả việc tập trung chỉ đạo, điều hành của đội ngũ lãnh đạo các cấp trong Bộ Xây dựng cũng như sở chuyên ngành tại địa phương.
Từng lĩnh vực đều có kết quả tích cực, khả quan mà điển hình là xây dựng pháp luật đã hoàn thành với khối lượng công việc lớn. Năm 2023, có 2 dự luật chuyên ngành lớn là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã được thông qua được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, khó khăn còn tồn tại; góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, tăng trưởng bền vững; tăng nguồn cung nhà ở nhất là sản phẩm phục vụ người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2024 là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng và thị trường bất động sản. Đồng thời, ưu tiên xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về lĩnh vực xây dựng; trong đó, tập trung bám sát chương trình của năm 2024 với mục tiêu đảm bảo chất lượng, tiến độ, cải cách thủ tục hành chính và tạo thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp.
Quy hoạch phát triển đô thị cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025.
Về phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu năm 2024 đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên 26,5 m2 sàn/người đặc biệt là lấy phát triển nhà ở xã hội làm trọng tâm – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, ông Mặc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong hàng rào đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội để giảm giá thành, giảm giá bán và tiền thuê cho người mua, thuê, thuê mua loại hình nhà ở này.
Đồng thời, Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.
Ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinhomes chia sẻ, năm 2023, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đến từ nhiều hướng với nhiều lý do, ngoài thủ tục hành chính còn có vướng mắc về vốn tín dụng…
Các doanh nghiệp trông đợi vào sự hỗ trợ chính sách quyết liệt từ Chính phủ, bộ ban ngành; đặc biệt là Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp kỳ vọng vào hiệu quả của nhiều chính sách được ban hành liên tục từ đầu năm đến nay và gần nhất là Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cùng đó là sự đồng hành, chỉ đạo sát sao của Bộ Xây dựng đã giúp doanh nghiệp đơn giản hóa được nhiều trình tự, thủ tục, từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức nguồn lực để triển khai dự án” – ông Phạm Thiếu Hoa bày tỏ.
Năm 2024, ngành xây dựng chú trọng quản lý quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị, thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử; sắp xếp lại doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập; hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế…
Một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng chú trọng trong năm 2024 là đổi mới cách thức và thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương, đơn vị liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. Cùng đó, Bộ Xây dựng tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các hình thức giao ban, trao đổi giữa Bộ với các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các địa phương.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) của ngành.
Chủ đề phong trào thi đua năm 2024 của ngành xây dựng là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động linh hoạt, kịp thời hiệu quả, phát triển bứt phá” với quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.