Kinh tế đối diện nhiều thách thức, chuyên gia khuyến nghị dừng quy định cho phép cơ cấu nợ

Diên Vỹ 16:50 | 12/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam kiến nghị chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ kinh tế, nhưng cũng cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính.

Kinh tế khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" diễn ra sáng ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, qua 4 tháng đầu năm 2022, nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số lĩnh vực.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Đặc biệt trong quý I/2022, Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73%, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021 và là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, cũng là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022.

Tuy vậy, môi trường kinh doanh cũng được đánh giá là đang ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường.

Trên trường quốc tế, kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao, trong khi sức mua bị giảm thấp. Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và giá kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế Trung Quốc cũng đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại.

Trong khu vực ASEAN, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu có dấu hiệu giảm động lực, chỉ số PMI tháng 3/2022 ở 51,7 điểm, là mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Đặc biệt, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đã và đang tạo tác động dây chuyền đến giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác.

Hỗ trợ kinh tế hướng tới hiện đại hóa chính sách tiền tệ

Tại Diễn đàn, ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào cũng nhận định rằng Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính; qua đó tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế.

Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của những làn sóng bùng phát dịch COVID-19. Đặc biệt, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế của Chính phủ được thực hiện một cách thích hợp và kịp thời để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng chung.

Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng.

Theo đó, rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về tăng trưởng chậm lại trong khi rủi ro về lạm phát nghiêng về gia tăng lạm phát. Bên cạnh đó là các rủi ro khác như: việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…

Ông Francois Painchaud kiến nghị, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Đáng chú ý, ông kiến nghị Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính.

Cũng nói về sự thay đổi chính sách tiền tệ cho phù hợp hơn, trong một chia sẻ gần đây với báo chí, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách cơ cấu nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn chưa trả được nợ vẫn có đủ điều kiện được tiếp cận nguồn tín dụng để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, việc không chuyển nhóm nợ sẽ khiến nợ xấu tích tụ càng nhiều, gây khó khăn và rủi ro cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Thành, trong lúc nền kinh tế đang dần hồi phục, sự thay đổi chính sách cũng nên thực hiện từng bước. Theo đó, cần có sự khảo sát, xem xét cụ thể thực trạng quay trở lại hoạt động của doanh nghiệp, tính toán khả năng chống chịu của ngân hàng trước khi cân nhắc dừng quy định cho phép cơ cấu nợ.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, có thể dừng việc chuyển nhóm nợ theo từng lĩnh vực, bởi hiện tại còn nhiều lĩnh vực hoạt động vẫn khó khăn, phục hồi chậm, nếu không cơ cấu lại thì bên vay khó trả được nợ. Hơn nữa, Việt Nam đang trong quá trình hồi phục kinh tế, doanh nghiệp vẫn cần được tiếp tục hỗ trợ về vốn tín dụng làm nguồn lực phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

 

Về chính sách cơ cấu nợ, tháng 9/2021, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, điểm nổi bật nhất của Thông tư số 14 là NHNN cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.