Kinh tế khó bứt phá, nhiều nhóm ngành chủ lực diễn biến không quá tích cực

Hạ An 19:45 | 15/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, tăng trưởng khó có thể phục hồi mạnh mẽ khi hầu hết các nhóm ngành cấp hai chiếm tỷ trọng cao trong GDP đều có diễn biến không quá tích cực như chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ hay bất động sản.

Trong quý III/2023, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ đáy với mức tăng trưởng GDP đạt 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực chế biến chế tạo và tiêu dùng là hai nhóm đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng. Tuy nhiên, do sụt giảm mạnh từ đầu năm, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng GDP mới đạt 4,24%.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng 9 tháng đầu năm nay đạt thấp là do một số nhóm ngành cấp hai chiếm tỷ trọng cao trong GDP đều có diễn biến không quá tích cực như chế biến, chế tạo, tiêu dùng hay khu vực bất động sản và xây dựng.

 

Chế biến chế tạo kém tích cực

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, ngành chế biến chế tạo đã tăng trưởng 5,6% trong quý III so với cùng kỳ năm trước nhưng do quý I giảm 0,49%, quý II tăng 0,6% nên luỹ kế 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 1,98%.

Đồng thời, các sản phẩm chủ lực vẫn ở mức yếu như điện tử, vi tính chỉ tăng 3,2% trong 9 tháng đầu năm hay dệt may tăng 5% nên không tạo động lực tăng trưởng cao cho toàn ngành.

 

Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng phụ trách giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng,Tổng cục Thống kê, bên cạnh những ngành có sự phục hồi rất tích cực như dệt may, linh kiện điện tử, sản xuất kim loại, hoá chất...thì nhiều nhóm ngành vẫn còn tiếp tục khó khăn như sản xuất ô tô xe máy, da giày.

Hiện có 23,7% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình quý IV sẽ khó khăn hơn quý III, số doanh nghiệp này thuộc các ngành có sự sụt giảm sâu từ đầu năm như sản xuất ô tô, xe máy hay da giày và được dự báo tình hình chưa thể cải thiện ngay.

Một yếu tố khác cho thấy sự phục hồi không quá tích cực đó là chỉ số sử dụng lao động trong ngành công nghiệp cũng suy giảm 1,9% trong 9 tháng đầu năm trước. Trong đó chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 2,5% và khu vực FDI giảm 1,7%.

Tiêu dùng khó tăng mạnh 

Tăng trưởng doanh thu bán lẻ giai đoạn 2018 - nay. (Nguồn: TCTK, SSI Research).

Đối với khu vực bán lẻ hàng hoá và dịch vụ, mặc dù trong 9 tháng đầu năm ngành bán buôn và bán lẻ tăng trưởng 8,15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng trưởng doanh thu bán lẻ danh nghĩa chỉ ở mức 7,3%, giảm  với mức tăng trưởng 8,8% của quý II/2023 chủ yếu do tiêu dùng yếu và đóng góp doanh thu từ ngành du lịch chậm lại.

Chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng đang giảm qua các quý. Kinh tế Việt Nam đã trải qua mấy năm COVID-19, năm ngoái lại trải qua cú sốc về tài chính tiền tệ. Do đó, thu nhập của người dân giảm sút rất mạnh, các nguồn tiết kiệm dần cạn kiệt, kể cả khối tư nhân hay khối doanh nghiệp.

"Vì vậy, không thể kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Hiện tiêu được “đỡ” rất nhiều bởi khu vực du lịch, nhất là du lịch quốc tế chứ tiêu dùng trong nước chưa có sự khởi sắc trở lại", ông Thế Anh  . Do vậy, các tháng cuối năm đà tăng trưởng tiêu dùng trong các tháng cuối năm vẫn sẽ chậm lại chưa có sự đột biến, chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm 1% so với cùng kỳ năm trước và chưa có sự cải thiện. Động lực của nhóm này chủ yếu đến từ khu vực xây dựng khi các công trình đầu tư công được đẩy mạnh.

Tính đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 51,4% kế hoạch Thủ tướng và tăng 43,5% svck nhờ kế hoạch giải ngân lớn trong năm nay. Xét theo tháng, đầu tư công tháng 9 bật tăng mạnh (tăng 34% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ) khi bước vào giai đoạn cao điểm cho giải ngân đầu tư công.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản ảm đạm nên hoạt động xây dựng gắn liền với khu vực này cũng không có sự đột phá.