Kinh tế Nga đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng

Trịnh Huyền Trang 11:17 | 25/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng khi phương Tây trả đũa động thái quân sự của Moscow bằng loạt biện pháp trừng phạt mới.

Trong phiên giao dịch sáng 24/2 (theo giờ Moscow), đồng rúp của Nga có thời điểm mất 10% xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng USD và euro. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài phút sau khi Tổng thống Putin tuyên bố thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Điện Kremlin khẳng định nền kinh tế Nga có thể đứng vững trước bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ phương Tây, một phần nhờ vào khoản dự trữ ngân sách khổng lồ là hơn 630 tỷ USD.

Hơn nữa, Moscow cho biết chính phủ cũng ghi nhận thặng dư ngân sách hàng năm, có nghĩa là Nga không cần phải vay nợ tiền mặt trên thị trường nội địa lẫn quốc tế. Đồng thời, nợ chính phủ của Nga vẫn dưới mức 20% so với GDP.

Trước khi bị Washington trừng phạt, Sberbank đã ra một tuyên bố lạc quan, khẳng định họ đã "sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến mới nào" và đang soạn thảo các kịch bản để bảo vệ các nguồn tài nguyên, tài sản và quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích không tin rằng Nga có thể chịu được một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn, nền kinh tế Nga có thể chịu tổn thất nặng nề.

Chuyên gia Henry Rome của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group nhận định: "Do hành động của Nga quá nghiêm trọng, chúng tôi tin các nhà lập pháp phương Tây sẽ trả đũa nặng tay, vượt xa các kịch bản xấu nhất. Nga thậm chí có thể bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Đường ống Nord Stream 2 cũng sẽ bị hoãn vô thời hạn".

Chia sẻ với Moscow Times, Phó Chủ tịch Clay Lowery của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) và là cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, cho hay: "Điểm mấu chốt là những lệnh trừng phạt này sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế chung của Nga và người dân Nga bình thường sẽ phải trả giá đắt".

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Chuyển đổi (BOFIT) của Ngân hàng Phần Lan, dù Nga đã cố gắng phi đô la hóa trong nhiều năm qua, hơn một nửa hàng xuất khẩu của nước này vẫn được định giá bằng đồng USD và 30% khác được định giá bằng đồng euro.

Hầu hết đối tác mua dầu thô và khí đốt của Nga đều từ chối sử dụng đồng rúp trong giao dịch. Do đó, nền kinh tế Nga vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào các đồng tiền tệ của phương Tây.

Tại quê nhà, đồng rúp giảm sâu sẽ càng gây áp lực lớn lên nền kinh tế. Lạm phát của Nga đang ở mức đỉnh 6 năm (khoảng 8,7%) và tài chính hộ gia đình đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn một thập kỷ trước. Một cuộc khảo sát gần đây của một hãng thăm dò nhà nước phát hiện 2/3 gia đình tại Nga không có tiền tiết kiệm.

Sự tụt giá của đồng rúp đang làm nổi bật cuộc khủng hoảng mức sống của người dân Nga. Moscow Times dẫn một nghiên cứu khác cho hay, hàng hóa nhập khẩu đang chiếm khoảng 75% các sản phẩm và nguyên liệu được dùng để chế tạo nhu yếu phẩm và thực phẩm tại Nga.

Thực tế nêu trên sẽ đẩy ngân hàng trung ương Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan quen thuộc: làm sao để hạ nhiệt lạm phát nhưng không tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất chuẩn tại Nga đang ở mức 9,5% và dự kiến sẽ tăng lên 11% hoặc cao hơn trong những tuần tới. Chi phí đi vay cao hơn chắc chắn sẽ làm tổn hại đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong khi rất nhiều người đang ngập trong nợ nần sau một thập kỷ kinh tế đình trệ.

Ngoài ra, việc phương Tây cắt nguồn cung ứng chất bán dẫn cũng khiến các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Nga gặp khó khăn, vì đa phần vẫn phụ thuộc nặng nề vào phần cứng và phần mềm của phương Tây.