Kinh tế số của TP.HCM ước đạt hơn 8,2 tỷ USD

Vi Văn Di 08:56 | 27/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2021, dù bị đại dịch COVID-19 hoành hành nhưng nền kinh tế số TP.HCM vẫn được ước lượng quy mô đến 8,27 tỉ USD (khoảng 191.768 tỉ đồng).

Tại buổi toạ đàm “Kinh tế số - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn TP.HCM” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP.HCM tổ chức (ngày 25/3), các chuyên gia HIDS cho biết quy mô kinh tế số TP.HCM hiện chiếm khoảng 14,41% trong tổng giá trị GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM. Trong khi mục tiêu về kinh tế số của Thành phố đến năm 2025 sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP Thành phố.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM sau đại dịch. Do đó, Thành phố cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác này, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp hạ tầng, dịch vụ công nghệ số hay nội dung số.

Theo các chuyên gia, kinh tế số là một phạm trù còn mới mẻ, trong đó các khái niệm, phạm vi cần có sự thống nhất; phương pháp đo lường và thống kê còn đang triển khai thử nghiệm; khung khổ pháp lý và chính sách tiếp tục định hình để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển trên thực tế.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cũng cho rằng, thành phố HCM có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số và đạt được các mục tiêu này như: TP.HCM có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước. Hạ tầng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% phường, xã, thị trấn. Xu hướng số hoá, làm việc, học tập từ xa ngày càng lan rộng và phổ biến. Các ứng dụng công nghệ phục vụ cho đời sống người dân trên nhiều lĩnh vực được phát triển nhanh chóng.

Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM ban hành theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2020 của UBND TP.HCM đề xuất mục tiêu cụ thể đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP Thành phố. Các ngành ưu tiên chuyển đổi số được xác định; các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế số đã được đề ra.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, thời gian qua HIDS và Sở TT-TT, cơ quan Thường trực của Chương trình Chuyển đổi số Thành phố đã phối hợp thực hiện việc xác định chỉ số đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TPHCM. Đây là lần đầu tiên TPHCM xác định được chỉ số đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TP ở góc độ nghiên cứu khoa học; từ đó định hình những chính sách cơ bản để phát triển kinh tế số của thành phố.

Quang cảnh toạ đàm “Kinh tế số-Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn TP.HCM”. Ảnh BTC

Theo HIDS, ước lượng tỷ trọng GRDP kinh tế số trong tổng GRDP của TP.HCM năm 2021 là 14,41% (khoảng 191.768 tỷ đồng, tương đương 8,27 tỷ USD). Tuy nhiên, HIDS cho biết, kết quả này chỉ mang tính tham chiếu vì có nhiều cách tiếp cận khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau.

Số chính thức sẽ do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố. HIDS cho biết, năm 2022, TP.HCM ra kế hoạch kinh tế số đóng góp 15% GRDP. Để đạt mục tiêu này, HIDS sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất phát triển thành phố thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub); đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox) về chuyển đổi số và hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số (DXCenter).

Cũng tại buổi tọa đàm, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng, kinh tế số sẽ giúp gia tăng sự chống chịu trong đại dịch COVID-19, tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong thời gian tới. Để đạt được những chỉ tiêu về phát triền kinh tế số của thành phố trong thời gian tới, các sở, ngành nên tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của chuyển đổi số, từ đó ủng hộ, cùng tham gia kinh tế số, trở thành công dân số.

Bên cạnh đó, Thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp số, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp số phát triển từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số; đầu tư hạ tầng chuyển đổi số; đầu tư nhiều hơn nhân lực chất lượng cao chuyển đổi số; xây dựng thể chế, luật pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và xây dựng chính quyền số, sử dụng hiệu quả dịch vụ công để phục vụ người dân tốt hơn.