Kinh tế số Việt Nam có thể chiếm 25% GDP vào năm 2025
Kinh tế số là gì?
Kinh tế số là một thuật ngữ được sử dụng với tần suất tăng rất cao trong thời gian gần đây. Một số nhận định, kinh tế số là việc áp dụng các tiến bộ về mặt công nghệ vào phát triển kinh tế. Một số khác lại cho rằng, kinh tế số đơn thuần là thương mại điện tử, là nền công nghệ 4.0 hay việc bán hàng online. Thực tế, trên thế giới hiện nay có rất nhiều định nghĩa về Kinh tế số. Theo nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford, 'kinh tế số được định nghĩa là nền kinh tế vận hành dựa trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet'. 3 thành phần chính trong nền kinh tế số bao gồm doanh nghiệp số, hạ tầng kinh doanh số và thương mại điện tử.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Kinh tế số được định nghĩa là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và những mô hình kinh doanh mới được tạo ra từ việc áp dụng công nghệ số và dữ liệu số.
R.Bukht và R. Heeks đã đưa ra khái niệm tổng quan nhất về Kinh tế số bằng cách đề ra hệ thống 'Khung khái niệm về Kinh tế số'. Khung khái niệm này nêu rõ phạm vi của Kinh tế số lõi (Core Digital Economy), Kinh tế số phạm vi hẹp (Digital Economy) và Kinh tế số phạm vi rộng (Digitalised Economy).
Cụ thể, Kinh tế số lõi bao gồm Chế tạo phần cứng, Phần mềm và tư vấn Công nghệ thông tin, Dịch vụ thông tin và Truyền thông. Kinh tế số phạm vi hẹp bao gồm các vấn đề về dịch vụ số, kinh tế hạ tầng. Kinh tế số phạm vi rộng (Kinh tế số hóa) là phạm trù thường gặp nhất hiện nay: bao gồm kinh doanh điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp 4.0, nông nghiệp chính xác, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết lỏng.
Trong thực tế, Kinh tế số đã mang lại rất nhiều ưu thế cho các công ty, tập đoàn lớn trên toàn cầu. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đều ít nhiều có liên quan tới những nền tảng số, kinh tế số như Google, Apple, Amazon, Microsoft hay Alibaba. 3 ưu điểm nổi bật nhất trong những thế mạnh mà kinh tế số mang lại có thể kể tới (1) Tăng trưởng thương mại điện tử; (2) Thúc đẩy người dung sử dụng Internet và (3) Phát triển hệ thống hàng hóa và dịch vụ Kinh tế số. Ngoài 3 ưu điểm này, phát triển kinh tế theo định hướng kinh tế số còn đảm bảo tính minh bạch. Minh bạch là một trong những điểm mạnh của kinh tế số được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm nhờ gián tiếp làm giảm lượng tiền tham nhũng thông qua các hoạt động trực tuyến minh bạch, giúp kiểm soát tốt nền kinh tế hơn.
Kinh tế số, xã hội số chìa khóa mở cho Việt Nam bứt phá
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển xanh và phát triển số, vì tiêu tốn ít tài nguyên nhất.
Theo Bộ trưởng, phát triển kinh tế số và xã hội số cần một hạ tầng số hiện đại. Hạ tầng vật chất thì cần nhiều chục năm, cần rất nhiều tiền, nhưng hạ tầng số thì có thể nhanh hơn nhiều, có thể chỉ một vài năm và chi phí cũng nhỏ hơn hàng chục lần.
Ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu hạ tầng số của Việt Nam sẽ vào top 30 thế giới trước năm 2025. Chiến lược phát triển hạ tầng số Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành trong năm 2021 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là hạ tầng số phải đi trước, phải lọt vào top đầu, để tạo nền tảng cho phát triển nhanh kinh tế số và xã hội số.
Theo Bộ trưởng, kinh tế số hiện đang chiếm 15% GDP toàn cầu, tỷ lệ này của Mỹ là 21%, Trung Quốc là 30%, cao cấp 1,5 lần Mỹ.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Tại Việt Nam, kinh tế số chiếm khoảng 10% và mục tiêu đặt ra là 20% vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng cho rằng kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20-25%/năm.
"Nếu chúng ta tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm như trong giai đoạn 2015-2020 thì kinh tế số của Việt Nam có thể chiếm tới 25% GDP vào năm 2025", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng lời giải cho mục tiêu này nằm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tháng 6/2020 và chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số mà Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt trong quý III năm nay.
Theo Bộ trưởng, lời giải chính là sự kết hợp của thị trường mạnh và nhà nước mạnh. Thị trường thì mạnh trong ngắn hạn, còn nhà nước thì phải mạnh trong dài hạn, mạnh về tầm nhìn xa trông rộng, dùng chi tiêu công và đầu tư công, khoảng 1-1,5% ngân sách hàng năm, để kích hoạt và dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế số và xã hội số.
Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam
Theo dự báo của Google, Temasek và Bain & Co, giá trị nền kinh tế số của Việt Nam có thể tăng trưởng lên 52 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 1/6 giá trị nền kinh tế số Đông Nam Á trị giá 300 tỷ USD.
Sự phát triển của kinh tế số Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, các startup và các DN hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT), tài chính số, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ công nghệ để thúc đẩy tiến trình Cách mạng công nghiệp 4.0. Và trong đó, dịch vụ tài chính số được cho là lĩnh vực hấp dẫn để đầu tư và phát triển các dịch vụ cho vay và thanh toán.
Với sự phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm an toàn, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen với việc chuyển sang mua sắm trên các kênh TMĐT đã đẩy mạnh sự cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT giữa các tập đoàn mua sắm trực tuyến như Shopee và Lazada.
Hơn nữa, hệ sinh thái DN số đang phát triển được hỗ trợ nhiều bởi nhu cầu về các dịch vụ hỗ trợ công nghệ như đám mây, dữ liệu lớn và Internet vạn vật (IoT). Việt Nam cũng cho thấy tiềm năng to lớn về blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI), được đẩy mạnh bởi kế hoạch 10 năm để phát triển AI trong nước.
5G là nền tảng quan trọng để phát triển Kinh tế số
Thời điểm hiện tại, Kinh tế số được nhận định là một phần không thể tách rời của kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những tiềm năng phát triển lớn – các ‘nền móng’ để phát triển đã từng bước được hoàn thiện.
Công nghệ di động ở Việt Nam đang phát triển mạnh, việc sử dụng công nghệ dần đi vào nếp sống, nếp sinh hoạt và làm việc của người dân nhờ những tiện ích to lớn mà nó mang lại. Theo số liệu thống kê vào năm 2019, Việt Nam có ít nhất 61 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày mỗi người dành tới 3 giờ 12 phút sử dụng interent trên các thiết bị di động thông minh (smartphone). Các ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng xem video, game, ứng dụng công việc hay ứng dụng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử đều được người dùng internet sử dụng thường xuyên mỗi ngày.
Về nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đây được xem là hạt nhân của chuyển đổi số, được đánh giá là phần quan trọng nhất của nền Kinh tế số lõi (Core Digital Economy). Việc phát triển tốt nền tảng này sẽ góp phần giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tiến lên phát triển nhanh chóng, bền vững.
Về những chính sách phát triển của ngành thông tin và truyền thông, Bộ TT-TT mới đây đã bắt đầu cấp phép thử nghiệm 5G cho các hãng viễn thông lớn như Viettel, VNPT và Mobifone, định hướng phát triển ngành bưu chính theo hướng thương mại điện tử, áp dụng mạnh những công nghệ số vào các hoạt động của nền bưu chính Việt Nam.
Trong giai đoạn 2025-2045, Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu nhằm phát triển kinh tế số, thông qua hàng loạt các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) trên tinh thần nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019.
Theo đó, qua từng mốc giai đoạn 5 năm, 15 năm từ 2025-2030, 2030-2045, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực châu Á về sản xuất dịch vụ thông minh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Người lao động Việt Nam được đặt mục tiêu sẽ trở thành nhóm nguồn lực có năng suất lao động cao, hiện đại, có năng lực làm chủ công nghệ trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội tới môi trường, quốc phòng, an ninh.
Nguyễn Thuấn