Kinh tế Việt Nam trong quỹ đạo bình thường mới

Minh Trang 08:41 | 26/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những chỉ số vĩ mô tích cực những tháng đầu năm là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, tuy không hề dễ dàng.

 Ảnh minh họa - DanTri

Cuộc sống hồi sinh

“SEA Games 31 đang thắp sáng Hà Nội” – hãng thông tấn Pháp AFP đã viết như vậy vào những ngày đầu tháng 5 để miêu tả không khí náo nhiệt của ngày hội thể thao Đông Nam Á đang được tổ chức tại Việt Nam. Những gì đang diễn ra tại đây với những khán đài đầy ắp khán giả, tương phản hoàn toàn với Olympic Tokyo 2021 - nơi gần như không có ai đến xem.

Sau hai năm đại dịch, cuộc sống đang trở lại bình thường. Hình ảnh hàng nghìn người đổ ra đường ăn mừng U23 Việt Nam và đôi tuyển bóng đá nữ giành cú đúp huy chương vàng SEA Games 31 mới đây hay trước đó là những bãi biển đông nghịt người, khách sạn kín phòng dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là những dấu hiệu cho thấy COVID-19 đã không còn là chủ đề số 1.  

Ở khía cạnh kinh tế, các chỉ số vĩ mô những tháng đầu năm liên tục có cải thiện. Sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đều đi lên. Số doanh nghiệp thành lập mới ghi nhận mức cao kỷ lục.

Tháng 4 vừa qua, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 2% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong tháng, hoạt động khởi sự kinh doanh cũng khởi sắc. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15.000 doanh nghiệp. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 455.500 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và 12,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.777.400 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%).

Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cũng nói về hiện tượng cho thấy nền kinh tế đang quay trở lại quỹ đạo hoạt động trước COVID-19. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng trung bình đạt 1,89% trong tháng 4 tiếp tục suy giảm về mức bình ổn sau dịp tăng mạnh đợt Tết. Tính tới 31/3, tín dụng tăng 5,04%. BSC cho rằng mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong giai đoạn 5 năm gần đây cho thấy nhu cầu sử dụng tín dụng đang hồi phục trở lại. 

Sự lạc quan cũng được thể hiện trong các con số kế hoạch kinh doanh của năm 2022 khi nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn năm COVID, thậm chí có doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận gấp 3-4 lần, sẵn sàng quay lại đường đua tăng trưởng, từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. 

Đơn cử như Cienco 4 với mức tăng dự kiến 348% trong năm 2022; Xây dựng Hoà Bình với tốc độ tăng 329% nhờ giá trị ký mới tăng cao trong năm 2021 và kỳ vọng không bị gián đoạn bởi dịch bệnh giúp đảm bảo tăng trưởng kinh doanh năm 2022; Địa ốc Sài Gòn với tốc độ tăng 246% lợi nhuận và 3.026% doanh thu; Bamboo Capital đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 148%.

 Kinh tế Việt Nam trong quỹ đạo bình thường mới.

Nửa cuối 2022: mối bận tâm lạm phát, cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu

Tuy nhiên không phải tất cả mọi thứ đều suôn sẻ. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy cầu tiêu dùng có phục hồi nhưng vẫn ở tốc độ chậm. Nói về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính - Học viện Tài chính, cho rằng đây là một rủi ro cần được lưu tâm. Ông nhận định với việc tổng cầu phục hồi chậm như vậy, khả năng đạt được tăng trưởng cao là rất khó. Nếu không có biện pháp tăng tổng cầu thì kinh tế có nguy cơ tăng trưởng dưới 6-6,5%, không đạt mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề cập đến rủi ro lạm phát tăng cao, đặc biệt là lạm phát chuỗi cung ứng.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%.

Cùng với đó, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch gây ra chưa được khắc phục thì khủng hoảng Nga-Ukraine càng làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung của nền kinh tế, là một trong những nguyên nhân chính làm giá hàng hoá trên thị trường thế giới tăng cao.

Nguy cơ mới có thể hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với áp lực gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc đang theo đuổi chính sách Zero COVID, làm gián đoạn hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Theo TS. Nguyễn Bích Lâm điều này dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và giá cả hàng hóa sẽ càng bị đẩy lên cao.

Nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay, TS. Cấn Văn Lực dự báo với kịch bản tích cực, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 6-6,5%, ở kịch bản cơ sở GDP sẽ tăng từ 5,5-6% và ở kịch bản tiêu cực, GDP sẽ chỉ tăng trưởng 4,5-5%. 

Ông Lực cho rằng các biến số trong các kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.