Kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực

21:20 | 06/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
DNVN - Sáng 6/6, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, đồng thời giải trình một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Tổng cầu tăng mạnh; xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD

Trước hết, về cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, báo cáo cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp; xung đột thương mại tiếp diễn khó lường; ở trong nước, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KTXH tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực của 4 tháng đầu năm mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Phiên khai mạc kỳ họp.

Cụ thể là, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng 7,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 đạt 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; thu hút khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người, tăng 8,8%.

Kinh tế xã hội  5 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực - ảnh 1
 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh Nhật Bắc.
Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng 27,1%; vốn thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8%. Xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD, tăng 6,7%. Có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp, 29,6% về vốn đăng ký và gần 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%. Đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng… Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Xây dựng các kịch bản ứng phó căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
 Về ứng xử của Việt Nam trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Phó Thủ tướng cho biết, đây là sự quan tâm không chỉ trong nước mà còn của cả thế giới. Bởi nếu cuộc cạnh tranh này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, cung cầu bị ảnh hưởng. Với nước ta, một nền kinh tế có độ mở lớn, bất cứ tác động ảnh hưởng của kinh tế thế giới đều tác động ảnh hưởng đến kinh tế nước ta.
Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng cho biết, ngay khi vấn đề xảy ra năm 2018, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu đánh giá tình hình. Cạnh tranh thương mại đang ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, thương mại thế giới và về lâu dài tác động trực tiếp đến nước ta.
Để ứng phó, chúng ta đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án, biện pháp cần thiết để bảo đảm kinh tế tiếp tục phát triển, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tránh tác động đến tỷ giá, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư.
Phó Thủ tướng cho biết, tình hình hiện nay cũng mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài. Có sự chọn lọc đầu tư vào lĩnh vực chúng ta ưu tiên, phát triển chất lượng, bảo đảm công nghệ, môi trường. Đồng thời, hết sức cảnh giác hàng hóa thông qua Việt Nam xuất khẩu phải có biện pháp phòng vệ tránh gian lận thương mại.
Kinh tế xã hội  5 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực - ảnh 2
 Kinh tế  5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục xu hướng tích cực.
Kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu
 Đối với việc xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, có một số loai hàng hóa sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn hiệu Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua, báo chí phản ánh nhiều và lực lượng chức năng cũng phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài.
Các đối tượng nhập giả mạo nhãn hiệu của Việt Nam, của nước ngoài, dán sẵn tem, nhãn mác ở nước ngoài, sau đó thông qua nhiều hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước. Cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ việc.
Cho đến nay, các hiện tượng, hành vi này đã ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có nguy cơ khiến hàng hóa trong nước bị xem xét khi xuất khẩu vào một số thị trường nước ngoài vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, nền kinh tế nước ta.
Nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng, do hàng hóa Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, tạo sự tin dùng của các thị trường bên ngoài, nên một số đối tượng lợi dụng nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu hàng kém chất lượng.
Giải pháp trong thời gian tới là tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, biên giới không để hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam thẩm lậu. Tăng cường điều tra cơ bản, kiểm tra các kho tàng, bến bãi, địa điểm kinh doanh. Xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh, phân phối hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân, doanh nghiệp không bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm xâm phạm thương hiệu Việt Nam và quyền lợi người tiêu dùng.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng Đề án chống gia lận xuất xứ, đánh giá toàn diện và đề xuất cho Chính phủ các giải pháp; xây dựng nghị định thay thế nghị định 185/2013, trong đó có việc xử lý các hành vi vi phạm về xuất xử hàng hóa, xuất nhập khẩu, theo hướng tăng nặng mức hình thức, mức xử phạt mang tính răn đe với hành vi lợi dụng hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác.