Lãi suất ngân hàng khó giảm vào cuối năm
Theo số liệu từ CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động (LSHĐ) tại các ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ trong tháng đầu tiên của năm 2022 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Cụ thể, trung bình lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tăng 0,03 và tăng nhẹ 0,002 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 4,79% và 5,552% vào cuối tháng 1. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2021, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng hiện nay đang giảm lần lượt 0,13 và 0,12 điểm phần trăm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục là nhóm duy nhất không điều chỉnh lãi suất trong tháng 1 này. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,775%/năm trong tháng thứ 8 liên tiếp; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 6 tháng.
Trong khi đó, lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) có diễn biến trái chiều.
Nhóm có quy mô nhỏ giảm 0,04 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 6 tháng, xuống còn 4,44%/năm, trong khi tăng 0,003 điểm phần trăm với kỳ hạn 12 tháng, lên 6,058%.
Ngược lại, nhóm có quy mô lớn tăng 0,09 điểm phần trăm, lên 4,79%/năm với kỳ hạn 6 tháng nhưng giảm 0,002 điểm phần trăm xuống 5,307%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Theo các chuyên gia của BVSC, trong các tháng đầu năm, mức lạm phát thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho các tháng đầu năm 2022 để kích thích nền kinh tế hồi phục.
Chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,94% tháng 1/2022, mức lạm phát tháng 1 thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay (nếu ngoại trừ năm 2021).
Tuy nhiên, trong thời gian tới áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu, cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế.
"Áp lực này có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng cổ phần phải tăng lãi suất huy động", báo cáo viết.
BVSC đánh giá mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%).
Cùng với đó, các chuyên gia của BVSC cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ khởi sắc có thể lên tới 15% khi các hoạt động của nền kinh tế được kỳ vọng mở cửa hoàn toàn trở lại, đồng thời Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ sau đại dịch về cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.