Lãi suất ngân hàng tháng 8/2023 tăng, giảm trái chiều tại nhiều kỳ hạn
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất cao nhất áp dụng từ ngày 1/8 chỉ còn 9,1%/năm thay vì mức 9,3%/năm như trước đó. Điều kiện được hưởng mức lãi suất này là khách hàng phải gửi từ 300 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng; dưới 300 tỷ đồng, áp dụng lãi suất 7,35%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng, HDBank cũng áp dụng lần lượt lãi suất 8,6%/năm cho các khoản gửi từ 300 tỷ đồng trở lên và 7%/năm nếu số tiền gửi dưới 300 tỷ đồng.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nếu như trước đây, khách hàng chỉ cần gửi từ 5 tỷ đồng đã được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,5%/năm, thì nay điều kiện là phải gửi từ 200 tỷ đồng và lãi suất cao nhất chỉ còn 7,3%/năm.
Các kỳ hạn khác đồng loạt được ACB điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1-0,2%/năm xuống còn từ 3,7-4%/năm cho kỳ hạn từ 1-3 tháng; từ 6-6,2%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng và 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng giảm lãi suất nhiều kỳ hạn từ 0,3-0,5%/năm so với đầu tháng 7. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6-9 tháng giảm 0,3%/năm còn từ 6-6,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,5% còn 6,6%/năm.
Lãi suất cao nhất niêm yết tại Eximbank từ mức 7,6%/năm hồi đầu tháng 7, nay giảm còn 7,2%/năm áp dụng cho tiền gửi trực tuyến (online) kỳ hạn từ 15 tháng.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng giảm mạnh lãi suất lên tới 0,6%/năm kể từ ngày hôm nay 1/8.
Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng được ABBank điều chỉnh từ 7%/năm xuống còn 6,4%/năm; kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng cũng giảm từ 7,2%/năm xuống còn 6,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,2%/năm xuống 7%/năm. Trên đây là các mức lãi suất tiết kiệm trên kênh Online – Esaving và ứng dụng AB Ditizen – Msaving.
Còn với lãi suất tại quầy, ABBank hiện áp dụng mức 5,4%/năm cho kỳ hạn từ 13-36 tháng; 6%/năm cho kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng và 6,3%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Các mức này chênh lệch khá lớn so với tiền gửi online.
Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) đã giảm đồng loạt lãi suất huy động đối với các kỳ hạn tiền gửi từ trên 6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng cao nhất chỉ còn 7,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 7,6%/năm. Các mức này hiện thấp hơn biểu lãi suất huy động hồi đầu tháng 7 tới 0,5%/năm.
Lãi suất cao nhất tại CBBank cũng chỉ ở mức 7,7%/năm áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng.
Tuy vậy, cũng tại CBBank, trong khi hàng loạt lãi suất các kỳ hạn giảm thì lãi suất kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này lại tăng nhẹ từ 7,2%/năm lên thành 7,3%/năm.
Không riêng CBBank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng tăng nhẹ lãi suất thêm 0,1%/năm với các kỳ hạn trên 5 tháng khi gửi tiền trực tuyến.
Vietbank hiện áp dụng lãi suất 7,2%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng; 7,4%/năm cho kỳ hạn 7-11 tháng; 7,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 7,6%/năm cho kỳ hạn 13-15 tháng.
Trước đó, trong tuần cuối tháng 7, bốn ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), đã đồng loạt giảm lãi suất huy động các kỳ hạn xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng tại các ngân hàng này dao động từ 3,3-4,1%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng là 5%/năm và 12 tháng là 6,3%/năm. Mức 6,3%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất mà 4 ngân hàng trên đang áp dụng.
Công ty CP Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động bình quân có thể về mức 6,5-6,8%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa vào năm 2024. Dòng tiền của nhà đầu tư vì thế có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn. VNDirect cho rằng xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.
Xu hướng giảm lãi suất đã liên tục được ghi nhận từ cuối quý I/2023 đến nay. Nhưng dường như kênh gửi tiền tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn đối với người dân khi tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tăng cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Dù vậy, tính đến hết tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi của dân cư đã tăng 8,21% so với cuối năm ngoái, lên hơn 6,34 triệu tỷ đồng. Đây cũng là mức tiền gửi dân cư cao nhất từ trước tới nay. Số liệu này phản ánh gửi tiền ngân hàng vẫn là kênh đầu tư được người dân lựa chọn, dù lãi suất huy động đã liên tục giảm sâu kể từ cuối quý I/2023.