Lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tăng dịp cận Tết
Mới đây nhất, ngày 10/1, biểu lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được điều chỉnh tăng từ 0,1 - 0,3%/năm so với tại hầu hết các kỳ hạn so với ghi nhận hồi tháng trước.
Trong đó, các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng có cùng mức tăng là 0,15% điểm %; kỳ hạn 4 tháng tăng 0,1 điểm % còn kỳ hạn 5 tháng chỉ tăng 0,05 điểm %. Đặc biệt, từ kỳ hạn 6 tháng đến 36 tháng, ngân hàng này điều chỉnh tăng đồng loạt 0,2 điểm % cho mỗi kỳ hạn.
Trong tháng 1/2022, SCB còn tung ra nhiều sản phẩm huy động vốn khác như: Tiền gửi thông thường 13 tháng, tiết kiệm online, Tiết kiệm Song hành - bảo hiểm toàn tâm, tiết kiệm Phát Lộc Tài,.. cùng với đó là nhiều mức lãi suất ưu đãi khác để khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Đặc biệt, lãi suất kỳ hạn 13 tháng áp dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 500 tỷ trở lên hiện đã lên tới 7,6%/năm. Trong khi đó, với hình thức tiết kiệm online, khách hàng khi gửi tiền sẽ được nhận lãi suất ưu đãi hơn khi gửi tiết kiệm tại quầy với biên độ từ 0,3 điểm % đến 0,75 điểm % tại đa số các kỳ hạn gửi.
Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), biểu lãi suất được điều chỉnh tăng chủ yếu ở hình thức gửi tiết kiệm online áp dụng từ ngày 14/1.
Theo đó, lãi suất tiền gửi online tại Nam A Bank có sự điều chỉnh tăng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Do đó, phạm vi lãi suất tiền gửi online trong tháng này dao động từ 3,95%/năm đến 7,4%/năm, trải dài từ kỳ hạn 1 - 36 tháng.
Mức lãi suất Ngân hàng Nam Á cao nhất đang được ghi nhận hiện là 7,4%/năm được áp dụng cho các khoản tiền gửi online có kỳ hạn 16 - 36 tháng.
Bước sang tháng 1/2022, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Đông Á tiếp tục điều chỉnh tăng tại nhiều kỳ hạn và có lãi suất cao nhất là 6,5%/năm được áp dụng cho tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng lãi cuối kỳ đối với mức lãi suất theo khung 365 ngày/năm.
Khảo sát ngày 15/1 cho thấy biểu lãi suất tiền gửi tại ngân hàng này được điều chỉnh tăng từ 0,1 - 0,2 điểm % so với trước đây. Chẳng hạn, lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 6 tháng cùng tăng 0,2 điểm %.
Tại các kỳ hạn từ 7 - 12 tháng, lãi suất ghi nhận cùng có mức tăng 0,1 điểm %. Trong khi đó, lãi suất tại kỳ hạn gửi 3, 4 và 5 tháng lại điều chỉnh tăng ít hơn 0,1 điểm % so với kỳ hạn 1 - 2 tháng.
Với kỳ hạn gửi 13 tháng, lãi suất tiết kiệm được Ngân hàng Đông Á điều chỉnh tăng 0,2 điểm % lên mức 6,5%/năm. Và đây cũng là mức lãi suất cao nhất được Đông Á triển khai trong tháng 1 này.
Cũng trong tháng 1, Ngân hàng Đông Á sẽ triển khai thêm một số sản phẩm tiết kiệm khác với lãi suất cạnh tranh như: Tiết kiệm Silk+, Tiết kiệm Ưu việt, Tiết kiệm Trường An, Tiết kiệm Cho tương lai, Tiết kiệm Chắp cánh cho con yêu...
Khảo sát trong những ngày đầu năm mới, nhiều ngân hàng tư nhân lớn cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tại hầu hết kỳ hạn có thể kể đến như VPBank, SHB hay Sacombank với mức tăng trung bình từ 0,2 - 0,3 điểm %, có trường hợp tăng mạnh đến 0,9%/năm.
Báo cáo triển vọng 2022 của Chứng khoán VNDirect cho rằng lãi suất tiết kiệm dự báo sẽ tăng 0,3 - 0,5 điểm % vào năm 2022.
Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát. Đồng thời sự cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán có thể khiến lãi suất đi lên nhằm thu hút dòng vốn.
Theo đó, công ty chứng khoán cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9 - 6,1%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 6,8 - 7%/năm trước đại dịch.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022.
Theo KBSV, lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa và chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN cũng khiến lãi suất tăng trở lại.
Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.