Làm gì để loại bỏ được phương tiện tự chế, bảo đảm an toàn giao thông?
Sự xuất hiện của các loại phương tiện tự chế khắp các hang cùng ngõ hẻm đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông, nhưng do nhiều khó khăn, các lực lượng chức năng chưa giải quyết triệt để được tình trạng này.
Tai nạn rình rập
Giờ tan tầm ngày 10/11, trên tuyến quốc lộ 6, khu vực ngã ba Ba La (Hà Đông, Hà Nội) hướng về cầu Mai Lĩnh, phương tiện lưu thông dày đặc. Cả một đoạn đường hơn 500 m bị ùn tắc nghiêm trọng do chiếc xe tự chế chở theo bó sắt cây dài hàng chục mét, gây cản trở cho hàng trăm phương tiện.
Trong quá trình di chuyển, do đường đông, lái xe tự chế phải đánh võng liên tục, có lúc phanh gấp dừng đột ngột, khiến các phương tiện khác phải dạt ra từ rất xa, dẫn tới ùn tắc kéo dài ở cả hai chiều.
Hình ảnh những chiếc xe máy cũ nát, xe ba bốn bánh tự chế chở hàng hóa cồng kềnh xuất hiện ở nhiều tuyến phố các đô thị lớn, đe dọa sự an toàn cho người tham gia giao thông. Xe ba gác tự chế tỏ ra khá hữu dụng trong việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu nhẹ, thậm chí nhiều loại hàng hóa nguy hiểm, cồng kềnh như sắt thép, tôn lợp, gương kính, biển quảng cáo,... cũng được tận dụng chở bằng xe tự chế cho tiết kiệm.
Nhiều bó sắt dài hàng chục mét, xòe tua tủa không hề che đậy đi lẫn trong dòng người xe đông đúc trên đường khiến nhiều người khiếp vía. Biết tâm lý người đi đường không dám lại gần, lái xe tự chế càng chạy ẩu, bất chấp luật lệ giao thông.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, một chiếc xe ba gác chở gạch đã lấn sang làn đường ngược chiều, đâm vào xe ô-tô Mercedes đi đúng phần đường. Vụ tai nạn đã khiến nhiều viên gạch rơi vào nắp capo xe, gây hư hỏng nặng phần đầu xe. Nhiều người cho rằng, người lái xe tự chế có hoàn cảnh khó khăn mới phải đi chở hàng và vụ tai nạn là ngoài ý muốn, nên mong muốn “lái xe ô-tô bỏ qua, không bắt đền xe máy”?!
Nhưng số đông cho rằng không thể đổ lỗi hoàn cảnh để biện minh cho cái sai của người điều khiển xe tự chế. “Xe tự chế đã không an toàn còn đi ẩu, ngược chiều, gây tai nạn lại đổ lỗi cho hoàn cảnh. Ý thức tham gia giao thông để đâu?”, “Nhìn thực tế hiện trường tai nạn, ô-tô hư hỏng rất nặng, tính sơ sơ chi phí cũng không dưới 100 triệu đồng”,... nhiều bạn đọc bình luận và đồng tình quan điểm nên xem xét, xử lý nghiêm người điều khiển xe tự chế để làm gương.
Nhiều người cũng bị ám ảnh với vụ tai nạn xảy ra hồi giữa tháng 4/2021 tại TP Hồ Chí Minh, một thanh niên quê Long An khi đang lưu thông trên đường thì va chạm với xe ba gác chở sắt xây dựng, bị 11 thanh sắt xoắn loại phi 10 đâm xuyên qua chân trái. Người dân gần đó đã nhanh trí sử dụng máy cắt, cưa ngắn 11 thanh sắt giải cứu nạn nhân, đưa đến Bệnh viện Xuyên Á cấp cứu. Rất may mắn, dù vết thương rất nặng, chảy máu nhiều nhưng không làm đứt các mạch máu quan trọng của nạn nhân. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử lý các tổn thương và phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Có loại bỏ được phương tiện tự chế?
Một chuyên gia về an toàn giao thông bức xúc nêu quan điểm, lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý xe tự chế vi phạm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Hành vi điều khiển các loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến một triệu đồng; tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Trường hợp gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, người điều khiển xe tự chế có thể bị xử lý hình sự. Thế nhưng, trên thực tế, những người điều khiển xe tự chế hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, các lực lượng chức năng khi tiến hành xử lý đều rơi vào tình trạng “khó xử”.
Vấn đề kiểm soát, hạn chế phương tiện xe tự chế 3 - 4 bánh và xe chở hàng đã được Chính phủ và chính quyền nhiều thành phố lớn nêu ra từ cách đây hàng chục năm. Từ năm 2007, Chính phủ đã có Nghị quyết 32 nêu rõ việc đình chỉ lưu hành đối với nhiều loại phương tiện, trong đó có xe 3 - 4 bánh tự chế, bắt đầu triển khai từ năm 2008. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ các chủ xe thuộc diện bị cấm, để họ có điều kiện thay thế phương tiện hoặc chuyển đổi việc làm.
Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay đã hơn 10 năm, nhưng hình ảnh các phương tiện tự chế chở hàng hóa cồng kềnh vẫn ngang nhiên “lượn lờ” khắp các tuyến phố. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 30 nghìn xe tự chế, xe 4 bánh gắn động cơ chở hàng hoạt động.
Hồi đầu năm nay, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình về phương án điều chỉnh, tổ chức lưu thông đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh tự chế trên địa bàn thành phố, đánh giá những xe này thường chở các loại hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm. Phương tiện hầu hết ở dạng cũ nát, không được đăng kiểm định kỳ, nhiều xe được độ chế, cơi nới để vận chuyển được nhiều hàng hóa, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Sở đã đề xuất đến năm 2022, có biện pháp cấm xe tự chế 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố và một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm. Sau năm 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động đối với loại phương tiện này trên địa bàn thành phố.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, để hạn chế tiến tới loại bỏ phương tiện tự chế chở hàng tại các thành phố, đô thị lớn, chính quyền cần xây dựng các đề án nghiên cứu, thí điểm kiểm soát về khí thải mô-tô, xe máy nhằm hạn chế lượng xe máy quá thời hạn sử dụng, đồng thời kiên quyết triển khai thực hiện các biện pháp thu hồi, kiểm định định kỳ,... đối với loại xe này.
Trước mắt, đối với xe thô sơ, tự chế chở không đúng quy định, chạy ẩu,... gây nguy hiểm cho người đi đường, lực lượng cảnh sát giao thông cần căn cứ luật định, xử lý nghiêm để bảo đảm an toàn giao thông, không nể nang các đối tượng. Trên thực tế, những người làm nghề xe ba gác, tự chế hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, việc hạn chế dần và chấm dứt hoàn toàn loại phương tiện này tuy cần thiết nhưng cần nghiên cứu thêm các phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề, bảo đảm cuộc sống cho người dân để đạt được đồng thuận cao nhất.