Lạm phát Mỹ lập đỉnh khi CPI lên tới 9,1%
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhanh trong tháng 6, chủ yếu do chi phí xăng dầu và thực phẩm, khiến mức tăng lạm phát lập đỉnh mới .
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 6 tăng 9,1%. Đó là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1981 sau khi tăng 8,6% vào tháng 5.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 đã nhích thêm 1,3% so với tháng trước sau khi tăng 1,0% trong tháng 5. Điều này càng củng cố lập trường của Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này.
Các nhà kinh tế do Reuters thăm dò đã dự báo chỉ số CPI sẽ tăng thêm 1,1%. Giá tiêu dùng đang tăng cao bởi chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn và các chính sách tài khóa rộng rãi từ các chính phủ trong đại dịch Covid-19. Xung đột đang diễn ra ở Ukraine, khiến giá thực phẩm và nhiên liệu toàn cầu tăng vọt, càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Theo dữ liệu từ nhóm vận động tài chính AAA, giá xăng Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6, trung bình trên 5 USD/gallon, sau đó giảm xuống mức trung bình là 4,631 USD/gallon vào 13/7. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực đối với người tiêu dùng.
Dữ liệu lạm phát được công bố theo sau báo cáo tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến trong tháng 6. Theo báo cáo của chính phủ Mỹ vào ngày 8/7, nền kinh tế đã tạo ra 372.000 việc làm mới vào tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Đã có hy vọng rằng sự thay đổi chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát, nhưng thị trường lao động rất thắt chặt đang thúc đẩy tiền lương, góp phần làm tăng giá dịch vụ.
Áp lực lạm phát cơ bản vẫn mạnh trong tháng trước. Nếu loại trừ các thành phần lương thực và năng lượng có nhiều biến động, chỉ số CPI đã tăng 0,7% trong tháng 6 sau khi tăng 0,6% trong tháng 5. CPI lõi đã tăng 5,9% trong tháng 6 so với cùng kỳ sau khi tăng 6,0% của tháng 5.
Lạm phát cao và chi phí đi vay tăng cao đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế vào đầu năm tới.