Lạm phát tại ASEAN sẽ cải thiện nhanh hơn các nền kinh tế phát triển
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ Sanjay Mathur cho biết lạm phát ở khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ giảm nhẹ và cải thiện nhanh hơn so với các nền kinh tế phát triển.
Theo ông Sanjay Mathur, lạm phát trong khu vực được coi là do cú sốc giá cả hàng hóa chứ không phải do tình trạng thiếu lao động, vốn diễn ra khá trầm trọng ở các nền kinh tế phát triển. Do vậy, các biện pháp mà các nền kinh tế thực hiện để giải quyết lạm phát phải khác nhau vì bản chất của lạm phát là khác nhau.
Trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị Đổi mới Tài chính ASEAN ngày 8/2, ông cho biết ở Mỹ các biện pháp được thực hiện chủ yếu nhằm cắt giảm nhu cầu, do đó những biện pháp thực thi thiên về việc điều chỉnh chu kỳ lãi suất hơn. Về việc thắt chặt tiền tệ trong khu vực, ông lưu ý rằng phần lớn việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã được hoàn tất ở một số quốc gia dự kiến tăng lãi suất, bao gồm Philippines và Thái Lan.
Đối với Malaysia, ông gợi ý Ngân hàng trung ương Malaysia đã kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và không cần thiết phải làm như vậy. Lạm phát của Malaysia chỉ hơn 3% một chút, khá dễ kiểm soát.
Đề cập đến việc chuyển sang trợ cấp có mục tiêu như những gì chính phủ đã lên kế hoạch thực hiện, ông cho rằng biện pháp này chắc chắn sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao.
Nhận xét về các biện pháp đối phó với đại dịch của Malaysia, ông ca ngợi các chương trình trợ cấp tiền lương của chính phủ cộng với hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, việc củng cố tài chính phải tiếp tục được tăng cường.
Một lưu ý khác, ông cho biết các khoản trợ cấp chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cắt giảm lạm phát ở nước này.
Kết thúc phần chia sẻ, ông Sanjay gợi ý các biện pháp để giải quyết vấn đề lạm pháp ở ASEAN là khác nhau ở mỗi nước. Vấn đề quan trọng hơn là tăng cường cung cấp lương thực, do đó các nước nên cân nhắc việc hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm thu nhập thấp hơn.