Làm sao để thoát khỏi sự cô đơn khi khởi nghiệp
Vượt qua cô đơn để đến thành công
Trong buổi giao lưu do Quỹ khởi nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cenland chia sẻ rằng, khi trở thành doanh nhân, một trong những điều khó khăn nhất chính là làm cho những người thân hiểu mình. Làm cho khách hàng, cho xã hội hiểu mình rất dễ nhưng làm cho người thân hiểu mình rất khó... Nỗi đau đầu tiên của các bạn khởi nghiệp phải đối mặt đó là nỗi đau của sự cô đơn, kể cả khi bạn thành công hay thất bại.
Theo ông Hưng, một khi khởi nghiệp thất bại, bạn sẽ rất khó chia sẻ với người thân và thường phải gánh chịu mọi thứ một mình. Đôi khi, bạn chia sẻ với người thân chỉ làm vấn đề tồi tệ hơn như khi nhận được những lời than vãn như: "Hồi xưa bảo đừng có làm rồi mà".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse nhận định, thiếu nhân lực là một trong những khó khăn lớn nhất trong giai đoạn đầu start-up và cô đơn là tình trạng mà các bạn khởi nghiệp chắc chắn gặp phải. Khởi nghiệp buồn, cô đơn vô cùng.
Nhiều người đã từng nản chí khi không nhận được sự động viên của gia đình. Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, người sáng lập phải đối diện với rất nhiều áp lực như thiếu vốn, thiếu nhân lực, cô đơn, không được động viên… trong khi chưa nhận được những kết quả khả quan nào từ thị trường. Sẽ đáng sợ hơn nếu những áp lực bên ngoài đó chuyển hóa thành áp lực tâm lý bên trong người sáng lập, khiến họ mất niềm tin và nản chí.
Anh Nguyễn Kiên Cường, CEO và Founder Bold Studio nhận định, trong 100 người khởi nghiệp chỉ có 3 người khởi nghiệp thành công. Có một điều sâu thẳm nhất và cũng là nguyên nhân chính hạ gục không biết bao nhiêu người, khiến họ phải dừng lại giấc mơ khởi nghiệp, điều rất ít khi được nói ra nhưng ai cũng phải đối mặt đó là sự cô độc. Người khởi nghiệp sẽ phải đơn độc chống lại mọi khó khăn. Con đường thì dài, chông gai thì nhiều nhưng không có ai bên cạnh. Giá như trong những lúc khó khăn ấy, có một bàn tay nâng họ lên, có một chỗ để họ dựa vào. Họ sẽ lại có thêm niềm tin, có thêm sức mạnh để đi tiếp. Không ai hiểu, không ai giúp đỡ, sóng gió liên tục ập đến, khiến họ kiệt sức, gục ngã và từ bỏ.
Hãy xem cô đơn là trải nghiệm
Ông Tony Wheeller, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đến từ Australia đánh giá, cô đơn là thời khắc đen tối nhất của một nhà sáng lập. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn phổ biến tại hệ sinh thái khởi nghiệp ở Australia, Thung lũng Silicon. Những doanh nghiệp lớn nên chia sẻ về thất bại, con đường thành công đầy chông gai, đánh đổi nhằm mang lại góc nhìn đa chiều, tích cực hơn cho người mới kinh doanh.
Từ câu chuyện của mình, các doanh nhân khẳng định, khởi nghiệp sẽ phải chấp nhận cô đơn trong suốt cuộc hành trình nhưng quan trọng là bạn cần vượt qua nếu muốn thành công. Những lúc thấy cô đơn hãy tự đặt câu hỏi như mục đích sống của mình là gì, ý nghĩa của công việc khởi nghiệp này là gì, tại sao khởi nghiệp ở lĩnh vực này… Khi hiểu được chính mình, bạn sẽ là người tự động viên, tự tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho bản thân trước mỗi khó khăn. Bạn hãy tìm kiếm những người cùng hệ giá trị để cùng làm đồng sáng lập, trở thành nhân sự của công ty. Quan trọng nhất, các bạn hãy xem cô đơn là trải nghiệm trên suốt hành trình đi đến thành công.
Bên cạnh đó, bạn nên đi giao lưu chia sẻ với những người trong giới khởi nghiệp. Trong những buổi giao lưu ấy, bạn hãy đưa ra những câu hỏi để nhận về các câu trả lời và sự trợ giúp, có thể sẽ có phương án giúp các bạn vượt qua khó khăn hiện tại. Trước khi khởi nghiệp hãy tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm khởi nghiệp để học hỏi và chia sẻ những nỗi cô đơn.
Nếu như con đường khởi nghiệp có khó khăn quá, mệt mỏi và cô độc quá, hãy nghĩ về lí do bắt đầu để đứng dậy tiếp tục cuộc hành trình. Dù chỉ có một mình cũng không được bỏ cuộc, đó là con đường bắt buộc phải đi qua. Càng cô độc càng có cơ hội khởi nghiệp thành công.