Làn sóng tăng vốn ở các ngân hàng: Đón đầu cơ hội hay phòng sẵn rủi ro ?

09:38 | 25/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Làn sóng tăng vốn điều lệ của các ngân hàng được giới chuyên gia nhận định để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), từ quý 3 năm 2020 đến nay, việc tăng vốn điều lệ tại các ngân hàng diễn ra ồ ạt. Cụ thể, ngày 5/11/2020, SBV đã chấp thuận cho TPBank tăng thêm hơn 2.150 tỷ đồng, để nâng vốn điều lệ đạt hơn 10.716 tỷ đồng.

Trước đó không lâu, SBV cũng “gật đầu” chấp thuận cho hàng loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ như ACB, Techcombank, Liên Việt Post Bank, OCB, HDBank, VIB, SHB và Bắc Á Bank.

Sang năm 2021, tăng vốn điều lệ vẫn là mục tiêu chiến lược của các ngân hàng. ACB dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng. Nhà băng này dự kiến hoàn thành việc tăng vốn điều lệ trong quý 3/2021.

Làn sóng tăng vốn ở các ngân hàng: Đón đầu cơ hội hay phòng sẵn rủi ro ? - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Tại ĐHĐCĐ của VIB ngày 24/3 vừa qua, ngân hàng này cũng đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành chào bán cổ phiếu.

OCB cũng dự kiến mức tăng vốn điều lệ khoảng 25%, chia cổ tức ở mức 25%. Hiện vốn điều lệ của OCB xấp xỉ 11.000 tỷ đồng.

Tại SHB, ngân hàng này dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5%, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II, đã được hầu hết các ngân hàng trên triển khai từ năm 2019.

CAR là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại. Theo đó, hệ số này cao đồng nghĩa với tiềm lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng càng lớn.

Chuyên gia Hiếu cho biết thêm, các ngân hàng đã triển khai Basel II sẽ luôn phải duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8%. Lấy ví dụ hệ số CAR những ngân hàng đang ở mức an toàn như HDBank là 10,9%, SHB (10,36%), VIB (9,69%). Nếu không tăng vốn, hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên. Hay nói cách khác, hoạt động mở rộng kinh doanh cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế bởi giới hạn an toàn nếu như không thể tăng vốn điều lệ kịp thời.

“Đâu đó còn 1/3 ngân hàng chịu áp lực tăng vốn cao. Nhất là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh. Ngân hàng nào có nợ nhóm 5 tăng cao việc bổ sung vốn là vấn đề tiên quyết. Nếu không, hệ số CAR của ngân hàng đó xuống dưới chuẩn và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động.” – Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, các giải pháp tăng vốn của ngân hàng hiện nay được diễn ra theo nhiều cách. Có thể là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận nội tại của ngân hàng để lại thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, huy động từ các cổ đông hiện hữu, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Chuyên gia Phú nhấn mạnh, việc tăng vốn điều lệ có thể coi là bệ phóng cho các ngân hàng trong cuộc đua mở rộng mạng lưới, thị phần và quy mô kinh doanh khi tình hình kinh tế trở lại bình thường trong năm 2021. Theo đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả năng sẽ đạt 6,3% trong năm 2021, nhờ thành công kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và sự phục hồi kinh tế trong nước.

“Nếu kinh tế phục hồi đúng như các dự báo, nhu cầu tín dụng từ các ngân hàng sẽ tăng cao do ngân hàng vẫn được coi là kênh cấp vốn chính trong nền kinh tế hiện tại. Vì vậy, việc các ngân hàng thực hiện kế hoạch tăng vốn không chỉ nhằm tăng cường năng lực tài chính để duy trì hệ số an toàn cao, mà nhìn xa hơn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch bứt tốc trong cuộc đua năm nay (2021).” – Chuyên gia Phú nhận xét.

Xuân Tùng