Làng cổ Đường Lâm - dấu xưa còn mãi
(DNVN) - Giữa một Hà Nội ồn ào phố thị, vẫn thấp thoáng những ngôi làng cổ hiền hòa đến nao lòng với những con ngõ nhỏ quanh co, những bức tường đá ong trầm mặc một màu hoàng thổ. Nơi đây, vẫn lưu giữ những nét son còn lại của một thời xưa cũ.
Đi dọc theo Quốc lộ 32 về hướng Sơn Tây, cách Trung tâm Hà Nội hơn 50 km chúng ta sẽ bắt gặp ngôi làng cổ Đường Lâm (nay thuộc Sơn Tây, Hà Nội), mảnh đất sinh ra hai Vua (Ngô Quyền và Phùng Hưng).
Chỉ cần đi qua hai cánh cổng làng đã bạc màu sương gió, nằm dưới bóng một cây đa khổng lồ đã 300 năm tuổi, là giếng nước, sân đình, những ngôi nhà gỗ với tường xây và khuôn viên có tường bao làm bằng đá ong nằm san sát theo con đường làng quanh co, uốn lượn. Phía xa là núi Ba Vì và những cánh đồng trải dài tít tắp tới tận chân trời. Nơi đây ghi đậm dấu ấn của một thời quá khứ xa xưa với những trang sử hào hùng. Và hiện giờ vùng đất này đã trở thành những giá trị lịch sử trường tồn của đất nước.
Đặc biệt nhất ở Đường Lâm phải kể đến là làng Mông Phụ, nơi có chiếc cổng cổ xưa nhất vẫn được gìn giữ tới bây giờ. Cổng làng vốn được xây dựng từ năm 1833, phía trên mang dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”, tạm dịch là thời nào cũng có người tài. Làng Mông Phụ có các ngõ khá rộng, chạy ngoằn nghèo, uốn lượn và thường được lát gạch ở phần giữa. Dọc 2 bên đường là tường hậu của các nhà dân xây bằng đá ong, hay gạch mộc. Những cây đa, giếng nước, sân đình nơi đây đều có cả trăm năm tuổi, còn giữ lại những nét cổ kính, khắc họa nên “hồn” làng Việt cổ xưa. Người dân Đường Lâm luôn tự hào rằng, quê họ là “Đất hai Vua”, nơi “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền cùng nhiều người nổi tiếng khác như Thám hoa Giang Văn Minh, Bà chúa Mía (Vương phi của chúa Trịnh Tráng), Thám hoa Kiều Mâu Hãn, hay Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước ta Phan Kế Toại…
Tính tới nay, Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống, trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, 1703, 1850... Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván.
Những ngôi nhà ở đây đều có đặc trưng cổng nhà hình quai giỏ, mềm mại về đường nét và vững chắc nhờ vật liệu đá ong. Nhà quan lại thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên đắp hình long, ly, quy, phượng hay lưỡng long chầu nguyệt. Mỗi ngôi nhà như một món đồ gia bảo, là lịch sử, văn hoá và cũng là nơi thờ tự thiêng liêng của mỗi dòng họ. Các ngôi nhà trong làng đều có kiểu nội tự - ngoại khách, sân nhà thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân (tụ thủy sinh tài) rồi mới chảy thoát ra đường cống đã tạo nên nét riêng biệt của những ngôi nhà cổ nơi đây.
Không chỉ có thế, làng cổ Đường Lâm còn nổi tiếng với nghề làm tương từ thời xưa, nên nhà nào cũng có một vài vại tương phơi ngoài sân. Tương có thể ăn với rau luôc, thịt trâu, thịt bò và cá kho tương…
Điều đặc biệt của làng cổ Đường Lâm còn ở cốt cách, lối sống của người dân nơi đây. Đối lập với cuộc sống mưu sinh nơi thị thành tấp nập, không gian ở đây yên bình tĩnh lặng đến vô cùng. Những ngôi nhà mái ngói cổ kính, ô cửa, đường làng mộc mạc vẫn tồn tại như thể từ hàng trăm năm trước. Nhiều gia đình hằng ngày vẫn sử dụng những vật dụng từ hàng vài chục năm trước như cối xay lúa, cối giã gạo, cối xay ngô, nồi, thau đồng, lư hương, bình rượu bịt cổ bằng đồng nguyên chất…
Đến Đường Lâm hôm nay, bất cứ ai cũng ngỡ ngàng trước một làng cổ còn lưu giữ những sắc màu thời gian ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, hoàn toàn đối lập với vòng xoáy hối hả của thời hiện đại bên ngoài.